Gió mát thiện lương (Kỳ 1: Những người giữ chốt Vùng Kho) 

Trên đường tìm gặp nhân vật cho bài viết của mình, chúng tôi chợt nhớ ai đó đã nói, lương thiện khó hơn thông minh nhiều, bởi thông minh là một loại tài năng thiên phú còn lương thiện là một sự lựa chọn.

Và chúng tôi nhận ra điều đang dẫn lối chính mình là ngọn gió mát lành thiện lương, giúp chúng tôi chạm đến cuộc đời của những con người đã khiến sự lựa chọn khó khăn ấy trở nên lấp lánh bội phần.

Thuận (bên trái) và anh Cường dấn thân vào gian khó, chuộc lỗi với rừng.

Tháng 10, phố núi Đakrông chìm trong sương mù, ở đây có cái lạnh đặc trưng không nơi nào có. Biết chúng tôi lo lắng thời tiết không thuận lợi, đường trơn khó vào các trạm, lán trại bảo vệ rừng ở xa, ông Nguyễn Công Tuấn - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông liền trấn an. Và để củng cố thêm sự phấn chấn trong chúng tôi, vị giám đốc có hơn 20 năm gắn bó với những cánh rừng phòng hộ phía tây Quảng Trị chia sẻ về niềm vui trong sự nghiệp bảo vệ rừng đầy gian nan. Và câu chuyện về những người ở chốt Vùng Kho như cuốn phim quay chậm trở lại trong ký ức của người giữ rừng nhiều thâm niên ấy.

Từ "lâm tặc"...

Năm 2018, tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn giáp ranh H. Đakrông và Hướng Hóa nóng lên, đặc biệt là tại xã Đakrông, xã Hướng Linh (H. Hướng Hóa) nơi có nhiều diện tích rừng phòng hộ buộc UBND tỉnh Quảng Trị phải thành lập Tổ liên ngành chốt chặn tại địa điểm Vùng Kho, xã Đakrông, hoạt động đợt 1 duy trì từ tháng 5 đến tháng 9-2018, và tiếp tục được tổ chức đợt 2 từ tháng 10 đến 12-2018. Với sự vào cuộc quyết liệt, các điểm nóng đã hạ nhiệt. Nhưng để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quyết định duy trì vị trí chốt chặn này cũng như nhân rộng nhiều lán trại khác. "Ban trực tiếp quản lý hơn 26 ngàn ha rừng phòng hộ nhưng lực lượng quá mỏng, rất cần sự hỗ trợ từ người dân, chính vì lẽ đó, chúng tôi đã thực hiện một hành trình tìm kiếm "cộng sự" cũng đầy gian nan không kém", ông Tuấn nhớ lại.

Việc tham gia vào tổ bảo vệ rừng đòi hỏi sự dũng cảm, trung thực và trên hết muốn tận tâm, cống hiến và phải được tín nhiệm, bầu chọn từ cộng đồng, chấp nhận của chính quyền. Nhiều người muốn xung phong nhưng không có sức khỏe đảm bảo vì đây là công việc gian nan, lắm hiểm nguy, chưa kể sẽ phải chạm đến những vấn đề nhạy cảm, nếu không vững vàng thì dễ bị cuốn theo tình huống. Và trong số người tình nguyện được xét duyệt, có thanh niên Hồ Văn Thuận (1992) của bản Vùng Kho, còn có tên xã hội là Thuận "lâm tặc". Bởi Thuận cũng như một số người từng bất chấp vào rừng phòng hộ chặt phá cây lấy củi, lấy gỗ bán kiếm tiền. "Ký sinh" vào rừng một cách tội lỗi, Thuận còn kéo theo một số người bước vào con đường vi phạm. Năm 2017 rồi sang năm 2018, cán bộ nhân viên BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông tìm cách gặp gỡ, vận động Thuận từ bỏ phá rừng. Không dễ để tìm được Thuận, và cũng không dễ để được Thuận "đón tiếp" bởi đụng đến miếng cơm manh áo. Trước những khó khăn đó, lãnh đạo BQL vẫn luôn nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa. Và trong thâm tâm ông Tuấn cùng đồng nghiệp vẫn tin có ngày thức tỉnh được những người như Thuận.

Cuối năm 2018, anh Võ Văn Đà, tổ trưởng chốt Vùng Kho bất ngờ khi có khách tới thăm. Trước mắt anh là Thuận "lâm tặc", người mà anh đã dày công vận động thời gian dài qua. Không còn sự hung dữ chống đối, chàng trai người Vân Kiều bày tỏ mong muốn được tham gia chốt Vùng Kho. Ngay lập tức, Thuận được sắp xếp để trình bày nguyện vọng với Lãnh đạo BQL. Nhìn sâu vào đôi mắt chàng thanh niên này, ông Tuấn thấy rõ quyết tâm và tin tưởng. Cửa ải tín nhiệm ở thôn bản cũng đã vượt qua, và Thuận chính thức nhận về mình nhiệm vụ bảo vệ rừng, chốt tại vị trí "nóng" gần QL9 hướng vào Tiểu khu 688, giáp địa bàn Hướng Linh.

 Tổ trưởng Đà cùng đồng nghiệp chốt Vùng Kho đi tuần tra rừng.

... thành "tai mắt của rừng"

Trưa, nắng đã gắt lên đồi Vùng Kho, chúng tôi cũng vừa leo tới được chốt. Từ điểm chấm bé nhỏ giữa bạt ngàn rừng núi, chúng tôi đã thấy Thuận nối bước anh Đà cùng với các tổ viên khác về lán trại. Nhễ nhại mồ hôi và cơn đói càng cồn cào sau nhiều giờ băng rừng tuần tra, Thuận và người bạn đặc biệt Hồ Công Cường (1987), cũng là thành viên chốt Vùng Kho vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện đầy thú vị. "Em về chốt được gần một năm rồi. Còn anh Cường đây cũng ở Vùng Kho", Thuận cho biết. Cường tuy không có "số má" như Thuận nhưng cũng cùng hội "phá rừng" thuở trước. Khi nhìn thấy tấm gương thức tỉnh của Thuận, Cường đã sám hối, theo cùng. "Trước đây, Thuận làm công việc chi? - Dạ làm lâm tặc", chúng tôi bắt đầu câu chuyện từ những điều chân thật như thế.

Thuận đưa chúng tôi trở lại ngày tháng lầm lỗi, không bình yên. Đó là cảnh trốn chạy, chui lủi giữa rừng khi phát hiện lực lượng chức năng. Đó là những lần thót tim đưa gỗ ra bìa rừng... nơm nớp và lo sợ nhưng chỉ nghĩ được ngày mai gỗ bán được sẽ có nhiều gạo, bữa cơm cho vợ con đủ đầy hơn. Thuận không nghĩ xa hơn được về "lá phổi xanh", về nguồn nước, về môi trường, tương lai của chính Thuận và con cái, dân bản bị tàn phá từ hành động này. Thế nhưng, chính những cán bộ như ông Tuấn, anh Đà đã kiên trì gieo vào lòng Thuận sự kỳ diệu của rừng xanh, có lúc là tiếng kêu cứu của chim muông và cả hình ảnh cây rừng ứa máu. "Phải chung tay bảo vệ rừng Thuận à, nếu Thuận làm gương, nhiều người sẽ ủng hộ lắm", anh Đà nhẹ nhàng khuyên. "Nhưng nhỡ người ta không tin em thì...", giọng Thuận lo lắng. "Rứa thì chứng minh cho họ thấy, không lo chi cả", người tổ trưởng nắm chặt tay Thuận như truyền thêm niềm tin.

Khi vào tổ chốt chặn, Thuận được trả công nhưng số tiền vài triệu đồng mỗi tháng vẫn khiến chuyện cơm áo cho vợ con là bài toán khó. Song Thuận vẫn quyết tâm bước về phía lương thiện. Thuận và Cường trở thành "tai mắt của rừng", kịp thời ngăn chặn nhiều vụ phá rừng. Khi phát hiện dân bản vi phạm, như phát rừng lấy đất làm rẫy, lấy gỗ, bằng uy tín của mình, đôi bạn này cũng đã thuyết phục họ thành công. Từ đây, anh Đà và đồng đội cũng thấy thêm động lực trong cuộc chiến bảo vệ rừng đầy gian nan. Được biết, thời gian qua, BQL đã thiết lập tổng cộng 5 lán trại có sự tham gia bảo vệ của người dân bản địa, cùng với 5 trạm khác đã "hạ nhiệt" được tình hình khai thác, xâm hại rừng phòng hộ. Chia tay chốt Vùng Kho, chúng tôi dường như nghe tiếng chim lảnh lót dội ra, lá rừng cũng vi vu như sáo. Và cơn gió mát từ rừng xanh cũng như níu lấy chân. Tưởng như đó là cơn gió của lòng can đảm, bản lĩnh và hướng thiện đến ngọt ngào.

Bảo Hà

                                       (còn nữa)

416 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1321
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1321
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145778