Trong điều kiện một huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp. Nguồn lực đầu tư cho phát triển cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển công, nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Song sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện đã có 08/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống của người dân nông thôn từng bước nâng lên, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2020 đạt 50,25 triệu đồng (của toàn tỉnh là 55,4 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,78% (toàn tỉnh là 6,43%). Riêng tiêu chí huyện nông thôn mới, Gio Linh đã đạt được 05/09 tiêu chí, gồm: tiêu chí thủy lợi, tiêu chí điện, tiêu chí sản xuất, tiêu chí an ninh trật tự và tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu "xây dựng huyện Gio Linh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025". Để sớm hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, ngày 27/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, quân và dân huyện Gio Linh trong thời gian tới.
Với quan điểm xuyên suốt, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục của cả hệ thống chính trị, kết hợp với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và sự đóng góp của người dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. Phát huy những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm của huyện trong thời gian qua, Nghị quyết 01-NQ/HU đã đặt lộ trình cho giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể là: Phấn đấu đến hết năm 2021, huyện hoàn thành đề án xây dựng huyện nông thôn mới; hoàn thành tiêu chí về quy hoạch; xây dựng 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Gio Việt, Trung Giang và Gio Mai) và hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới cho xã Linh trường; năm 2022, hoàn thành tiêu chí về giao thông và xây dựng 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hải Thái và Gio Châu); năm 2023, hoàn thành chỉ tiêu về giáo dục và xây dựng xã Gio Hải đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2024, xây dựng xã Linh Trường đạt chuẩn nông thôn mới (xã miền núi của huyện) và hoàn thành tiêu chí về môi trường; đồng thời hoàn tất các tiêu chí huyện nông thôn mới, lập hồ sơ trình Trung ương phê duyệt và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được các bước lộ trình đặt ra, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn và hành động thật sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp trong huyện. Tập trung chỉ đạo rà soát các tiêu chí chưa đạt từ xã đến huyện; trên cơ sở đó, duy trì các tiêu chí đã đạt như tiêu chí về thủy lợi, tiêu chí điện, tiêu chí sản xuất, tiêu chí an ninh trật tư, tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chủ động tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ cấp trên, nguồn vốn hỗ trợ, lồng ghép từ các chương trình để triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt theo lộ trình đã được xác định như tiêu chí về giao thông, giáo dục và môi trường.
Một trong những hạn chế của huyện trong xây dựng nông thôn mới đó là công tác lập quy hoạch. Chính vì vậy, Gio Linh xác định tập trung để sớm hoàn thành nội dung này. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch nông thôn mới huyện đảm bảo tính khoa học, khả thi, nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế để phát huy hiệu quả của 03 vùng kinh tế trọng điểm: gò đồi, đồng bằng và vùng cát, ven biển. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã phù hợp với quy hoạch cấp huyện, trong đó chú trọng đối với các xã mới sáp nhập.
Trên cơ sở hoàn thành công tác lập quy hoạch, huyện xây dựng các chủ trương, chính sách dồn lực để thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, chương trình trọng điểm, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập của người dân. Trước hết, triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thu hút, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng nông sản, trong đó kể cả sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Có các giải pháp cơ cấu lao động hợp lý gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sử dụng lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương có hiệu quả kinh tế cao gắn với quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đất đai, nước, rừng, khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuân lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Chủ động triển khai, cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chương trình nông thôn mới; khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và huy dộng vốn đầu tư. Triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tích cực tìm nguồn thu, tiết kiệm chi, phát triển quỹ đất… tạo nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch ở cơ sở, tiến hành sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, cá nhân có thành tích, các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với khẩu hiệu “làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hướng”, “chung tay xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, phát huy vai trò nồng cốt trong việc tập hợp, huy động sức mạnh toàn diện tham gia xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, những kết quả huyện Gio Linh đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, vừa là kinh nghiệm, là nền tảng, kết hợp với quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, Gio Linh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. TL-VPTU