Đặc biệt, Tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều chương trình dự án được đầu tư để bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Phục dựng lễ hội Ariêuping, lễ hội mừng làng mới của người Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông. Đối với văn hóa phi vật thể, đã tiến hành bảo tồn và phát triển 3 loại hình gồm: Lễ hội (gồm lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng, lễ đâm trâu); Nghệ thuật truyền thống (gồm có dân ca, dân vũ, dân nhạc); các ngành nghề truyền thống (dệt, đan lát, bài thuốc dân gian truyền thống)…
Trong nhiều giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng được các cấp, các ngành và ngành Văn hóa quan tâm. Các địa phương đã tạo điều kiện động viên, khích lệ các nghệ nhân truyền dạy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ kế cận.
Các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín đều tâm huyết và trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của địa phương, thường xuyên phối hợp với cộng đồng, gia đình và địa phương để truyền dạy cho thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thông qua các hoạt động văn hóa, các đội văn nghệ, các câu lạc bộ…
Tại các lễ hội, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tham gia biểu diễn, cùng phối hợp biểu diễn các tiết mục văn hóa đặc sắc, làm phong phú thêm các hoạt động tại lễ hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách yêu thích nghệ thuật, văn hóa truyền thống.
Có thể khẳng định, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín đã có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các lễ hội, là người hướng dẫn trực tiếp giới trẻ học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa phi vật thể. Qua đó góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Cùng với vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng.
Những năm qua, các địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng các nhà sàn là không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào dân tộc Vân Kiều và PaKô đã được đầu tư khá bài bản, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng các đồng bào dân tộc.
Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa, đa số các thôn, bản có nhà văn hóa- khu thể thao thôn để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tại các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Thông qua các lễ hội truyền thống, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại các thôn, bản.
Tân Linh