Gieo yêu thương giữa bộn bề gian khó… 

Lớp Mẫu giáo thôn Cóc - điểm lẻ của Trường Mầm non Pa Nang nằm heo hút trên vùng rẻo cao xã Pa Nang (H. Đakrông, Quảng Trị).

Nơi đây, dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng thầy Phạm Văn Thụn vẫn ngày ngày cố gắng bám bản, gieo yêu thương. Hình ảnh thầy Thụn say sưa dạy các cháu múa hát giữa lớp học đông đúc, tập hợp đủ các lứa tuổi mầm non đã trở nên quá đổi thân thuộc, để lại trong lòng chúng tôi nhiều xúc cảm đặc biệt...

Đường vào thôn Cóc xa xôi, hiểm trở.

Bó xôi, hái rau rừng đến lớp

Sau nhiều cái hẹn chúng tôi mới có dịp vào thăm lớp Mẫu giáo thôn Cóc. Con đường dẫn vào đây ngoằn ngoèo, nhiều dốc dựng đứng, nếu di chuyển bằng xe máy phải là tay lái cự phách. Cách trung tâm xã 20 cây số nhưng mất hơn hai tiếng đồng hồ vừa đi xe vừa cuốc bộ mới đến nơi. Chưa thôi "ám ảnh" bởi đoạn đường vừa qua, thầy Thụn đã đón chúng tôi bằng câu nói đầy lạc quan: "Có đường như bây giờ đã là "thiên đường" rồi. Cách đây một vài năm, để vào được nơi này, nhất là vào mùa mưa thì chỉ đi bộ thôi".

Dứt lời, thầy dẫn vào thăm đời sống sinh hoạt của cả thầy và trò. Nhìn  bữa ăn mà các cháu mầm non ở bản mang đến lớp, chúng tôi không nén được xót xa. Những âu cơm nguội lạnh hoặc thố xôi đã cứng hạt nếp, thức ăn kèm chỉ có lá rau rừng, đôi ba con cá suối, có cháu thì có thêm miếng chả trứng đã là sang. Thầy Thụn nói, bữa trưa nào cũng như thế, ở đây gia đình ăn gì thì mang phần cho trẻ con như vậy, không có chế độ ăn riêng cho con trẻ như ở dưới xuôi. Nhiều cháu có hôm chỉ mang đến lớp mỗi một nắm xôi ăn với muối, như vậy là xong bữa trưa. Thực ra, mỗi trẻ đều có chế độ nhà nước hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng 139 nghìn đồng/cháu, tuy nhiên điều kiện của lớp học không có cô nuôi để tổ chức nấu nên bố mẹ được nhận khoản tiền này tự lo bữa ăn cho con mình mang đến lớp. Cái ăn đơn giản, không đủ chất dinh dưỡng, cái mặc của các cháu cũng muôn bề thiếu thốn. "Có nhiều cháu mặc nguyên bộ áo quần một tuần, vừa bẩn, vừa nặng mùi, tôi phải nhắc nhở phụ huynh giặt thay bộ mới. Hầu hết các cháu ở lớp học này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều hôm nhìn phần ăn của các cháu mang đến lớp chỉ mỗi rau rừng và ít cơm hoặc xôi, người làm thầy như tôi cũng chạnh lòng", thầy Thụn tâm sự.

 Thầy Thụn giờ đã thuần thục với việc chải, buộc tóc cho học trò.

"Nghề chọn mình"

Sinh ra và lớn lên ở xã Gio Mai (H. Gio Linh, Quảng Trị),  Phạm Văn Thụn có một tuổi thơ không may mắn như bạn bè khi gia đình thiếu khuyết bàn tay của người cha, mình mẹ xoay xở nuôi con khôn lớn. Lúc thầy Thụn đăng ký thi vào ngành Mầm non, trường Đại học Sư phạm Huế đã khiến mọi người ngỡ ngàng. "Còn nhớ hôm tôi cầm giấy báo thi chờ đến lượt gọi vào phòng thi, giám thị nhìn tôi tròn mắt nói: cậu đứng đây làm gì, tránh ra cho thí sinh vào thi. Ngay cả khi tôi chìa giấy báo thi cho giám thị xem, kiểm tra mấy lần mà vẫn không hết ngạc nhiên. Trong quá trình học, không ít lần giáo viên vào lớp tưởng tôi ngồi nhầm, khi thấy giữa hàng chục sinh viên nữ xuất hiện một thanh niên. Rồi những giờ học múa, học hát không hề dễ dàng chút nào đối với tôi, bởi các bạn nữ thì dẻo dai, khéo léo, trong khi mình chân tay cứng đơ, người thì thô ráp. Vậy nhưng may mắn là trong những năm tháng sinh viên, tôi được các thầy cô rất ưu ái, tận tình chỉ bảo để mình không nản lòng bỏ cuộc", thầy Thụn nhớ lại.

Năm 2008, tốt nghiệp đại học, thầy được biên chế về Phòng Giáo dục H. Đakrông, nhận công tác tại xã Pa Nang. Điểm đầu tiên thầy Thụn đến nhận lớp là điểm lẻ thôn Ngược, một trong những thôn có địa hình hiểm trở, khó khăn. Từ trung tâm xã Pa Nang, thầy Thụn phải di chuyển sang xã lân cận hơn 15 cây số, từ đó đi ngược trở lại và cuốc bộ thêm 5 cây số đường rừng mới đến được thôn Ngược. "Khi tôi đến nhận nhiệm vụ ở thôn Ngược, ở đây chưa có trường lớp gì. Suốt một tuần đầu tiên tôi và hai giáo viên tiểu học khác cùng bà con dân bản lên rừng chặt tre nứa dựng lớp học cho các cháu, dựng chòi tạm cho giáo viên có chỗ tá túc. Đây chính là lớp mẫu giáo đầu tiên tôi nhận với 7 học trò, phần lớn đã quá tuổi học mẫu giáo", thầy Thụn kể. Ba năm dạy thôn Ngược, bốn năm gắn bó với thôn Bù, hai năm ở thôn A La và Ba Nang và đến nay là năm thứ ba làm thầy mầm non của thôn Cóc. Ở đâu cũng heo hút, không có điện, sóng điện thoại. Thầy Thụn cùng với hai đồng nghiệp vừa dạy học, vừa học hỏi bà con đi bắt nhái, ếch để có lương thực ăn dần. Có thời điểm vào mùa, hai ba tháng không về nhà được vì đường sá bị chia cắt, thầy Thụn lại băng đường trèo lên dốc cao bắt chút sóng điện thoại hiếm hoi gọi về nhà. "Có đi đến những thôn bản khó khăn mới hiểu được người dân, nhất là trẻ em ở những nơi đó thiệt thòi rất nhiều. Các cháu không được đến lớp học vì không có giáo viên, thiếu thốn cái ăn cái mặc. Và ở những nơi này, nếu không có những giáo viên nam chịu khó cắm bản thì có lẽ các cô giáo cũng quá thiệt thòi và vất vả khi nhận nhiệm vụ. Chúng tôi là nam giới mà đôi khi còn chùn lòng vì đường sá đi lại, điều kiện ăn ở, sinh hoạt quá vất vả. Chuyện hàng tháng trời ăn cá khô, mỳ tôm là bình thường, chưa kể sốt rét, ốm đau, nhớ nhà", thầy Thụn trải lòng.

Điểm trường thôn Cóc hiện có 23 cháu ở các lứa tuổi khác nhau. Ngoài dạy học, thầy Thụn còn chịu khó dành thời gian tìm tòi nguyên vật liệu làm đồ chơi cho các cháu. Chải, buộc tóc, tập múa, dỗ trẻ… những việc tưởng chừng cần bàn tay khéo léo của phụ nữ, dưới bàn tay của thầy Thụn đều trở nên thuần thục. Giờ học của thầy dường như thêm hấp dẫn, sinh động và không ít hài hước bởi cái duyên đặc biệt của một giáo viên mầm non là nam giới. "Cũng có đôi chút khó khăn trong việc vệ sinh cho các cháu vì mình là nam giới, không được khéo léo như các cô giáo. Tôi luôn cố gắng hoàn thiện hơn, làm từng bước để phù hợp với hoàn cảnh của mình, để các cháu được chăm sóc như học sinh các nơi khác", thầy Thụn chia sẻ.

Chúng tôi rời thôn Cóc khi trời ngã bóng, thầy Thụn cứ áy náy vì không mời khách được bữa cơm đàng hoàng. Thầy thật thà nói rằng giờ muốn ăn được bữa tươm tất thì phải ngược ra ngoài kia một đoạn đường mới có quán xá, kho lương thực dự trữ của thầy hiện cũng chỉ còn toàn mỳ tôm. Dẫu vậy, những khó khăn vất vả không làm nhụt chí khi thầy quan niệm, các cháu nhỏ ở thôn bản vùng khó đã thiệt thòi nhiều rồi, nghề đã chọn mình thì dù bất cứ điểm trường khó khăn nào mình cũng tự nguyện đi để cho các cháu được đến lớp, được học múa học hát như bao bạn bè đồng trang lứa.

THANH LÊ

721 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 537
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 537
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77452019