Hệ thống giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) là công trình dẫn thủy cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho cư dân địa phương. Đây còn là một di tích có giá trị về khảo cổ, văn hoá và nghệ thuật do người Chăm-pa ngày xưa sáng tạo nên. Theo ước tính, hệ thống giếng cổ ở Gio An có niên đại trên 2.000 năm tuổi.
Cận cảnh một giếng cổ được xếp đá vô cùng độc đáo ở xã Gio An
Hệ thống giếng cổ này sử dụng chất liệu đá xếp, gồm 14 giếng tiêu biểu với tên gọi dân giã như Giếng Dưới, Giếng Côi, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Nậy, Giếng Gái… Nét độc đáo của hệ thống giếng cổ là chưa bao giờ cạn và mạch nước luôn mát trong. Nước từ giếng cổ bấy lâu nay được dẫn xuống, tưới tắm cho những ruộng rau liệt (hay còn gọi là xà lách xoong) cạnh đó.
Theo Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, chiến tranh cũng như quá trình sử dụng sau này khiến hình dáng của giếng thay đổi, nhiều hòn đá cuội nguyên gốc bị vỡ hoặc bị lấy đi. Trong năm vừa qua, đơn vị này đã tiến hành tu bổ một số giếng cổ để bảo tồn và tạo sức hút du lịch. Quá trình tu bổ cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chọn lựa đá xếp sao cho đúng kích cỡ, hình dáng ban đầu.
Trẻ em xã Gio An thường tìm đến giếng cổ để vui chơi, tắm mát
Hệ thống giếng cổ ở Gio An là minh chứng cho lối ứng xử thông minh của con người trước thiên nhiên, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất. Năm 2001, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận 14 giếng tiêu biểu trong số 30 giếng cổ ở xã Gio An là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Nước ở giếng cổ chảy quanh năm, tưới tốt cho các ruộng rau liệt phía dưới
Người dân thu hoạch rau liệt từ những ô ruộng ngay bên dưới giếng cổ
Hệ thống đá xếp dẫn nước từ giếng cổ ra các ruộng rau được đặt công phu, đẹp mắt
Nhiều giếng cổ được tỉnh Quảng Trị tu bổ, tôn tạo để thu hút khách du lịch
Theo Đức Nghĩa/Người lao động