Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời các đại biểu chiều 5/6
(Ảnh: KT).
Theo chương trình, chiều 5/6, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu về thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) đặt câu hỏi liên quan đến xuất khẩu lao động. Đại biểu nêu, gần đây, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành văn bản dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương đi làm việc tại Hàn Quốc. Việc làm này có đúng quy định hay không và tại sao như vậy?.
Đại biểu cũng đặt câu hỏi về vấn đề nhiều trường hợp giúp việc gia đình tại Trung Đông có đơn kêu cứu, Bộ đã chấn chỉnh tình trạng này như thế nào? Vì sao đến nay chúng ta không bố trí cán bộ các ngành và doanh nghiệp lập văn phòng để hỗ trợ lao động tại các nước này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây không phải chủ trương của Bộ mà do nhiều địa phương có tình trạng lao động bất hợp pháp ở lại. Phía Hàn Quốc đặt ra yêu cầu những huyện có lao động trốn ở lại trên 30% sẽ không nhận lao động sang làm việc. Tuy nhiên, Bộ đã đàm phán thêm một yêu cầu nữa là các huyện có trên 60 lao động đi, mới áp dụng quy định này.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã rất cố gắng. Sau việc bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, Bộ đã đàm phán, thuyết phục, cho kéo dài riêng với các huyện bị ảnh hưởng môi trường đưa được 18.000 lao động làm đánh bắt xa bờ sang Hàn Quốc.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta chưa đưa người đi Trung Đông mà mới tập trung đi Ả Rập khoảng 9.000 lao động, chủ yếu là giúp việc. Do địa bàn nhạy cảm, công việc nhạy cảm, sức ép lớn, nhưng yêu cầu không cao về tiêu chuẩn, không yêu cầu ngoại ngữ…
Bộ thấy đây là công việc rất rủi ro, nguy cơ rất lớn, Bộ có cảnh báo với doanh nghiệp, lao động hạn chế đi khu vực này. Chúng tôi đã lập văn phòng ở đây, còn văn phòng của doanh nghiệp phải được nước bạn đồng ý.
“Sắp tới, chúng tôi xây dựng nhà tạm lánh để khi xảy ra vấn đề, lao động Việt Nam có thể tạm lánh ở đây” – Bộ trưởng cho biết.
Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Bộ trưởng (Ảnh: KT)
Ngay sau đó, trong phần chất vấn, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) để cập đến việc sau sự kiện Formosa, Bộ đã đưa 18.000 người dân 4 tỉnh ra nước ngoài làm việc. “Nỗi lo lắng của chúng tôi là với việc chuyển đổi như hiện nay, xu hướng người dân lên bờ làm việc nhiều hơn nghề đi biển gian khổ, nguy hiểm, vất vả. Vậy Bộ có chủ trương gì để khuyến khích bà con bám biển, vì đó không phải chỉ là lao động mà lực lượng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc?” – đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, câu hỏi của đại biểu “rất khó”, một mình Bộ LĐ-TB&XH không làm được.
Theo Bộ trưởng: “Việc chúng tôi cố gắng đưa được 18.000 lao động ở 4 tỉnh sau khi xảy ra sự cố Formosa đi làm việc tại nước ngoài là sự giải quyết mang tính chất tình thế, tạm thời. Chúng tôi không coi đây là giải pháp lâu dài”.
Nhấn mạnh giải pháp lâu dài là phải ổn định đời sống cho bà con vùng biển, Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sau kỳ họp này sẽ bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cụ thể hóa chiến lược biển, trong đó có đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho bà con./.
Minh Thư