Nhiều giáo viên vừa hoàn thành thời gian dạy tình nguyện trở về mới biết tỉnh đã có quyết định hủy bỏ việc xét đặc cách nên vô cùng hoang mang - Ảnh: QUỐC NAM
Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định tuyển giáo viên qua Savannakhet (Lào) dạy học cho con em người Việt tại Lào. Quyết định nêu rõ những giáo viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ dạy học 3 năm ở Lào về sẽ được xét tuyển đặc cách vào viên chức.
Số 0 sau 3 năm cống hiến
Phạm Minh Hạnh, 28 tuổi, trú tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), là một trong năm giáo viên mới nhất vừa hoàn thành 3 năm dạy tình nguyện tại Lào theo hợp đồng với tỉnh Quảng Trị. Về nước cuối tháng 6-2020, Hạnh cầm tờ giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ trở về gặp lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị để được xét đặc cách vào viên chức thì nhận được câu trả lời của sở là quyết định cũ đã bị hủy bỏ.
Hạnh kể cô ra trường năm 2014 sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị. Nghe tin đăng tuyển 10 giáo viên đi dạy tình nguyện tại Savannakhet, Hạnh nộp hồ sơ xin đi vì có kèm quyết định của UBND tỉnh về việc sẽ xét tuyển đặc cách vào viên chức sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm đó mỗi huyện được chọn một người. Hạnh được chọn qua dạy tại Trường tiểu học Thống Nhất, tỉnh Savannakhet.
Đi dạy tình nguyện ngoài biên giới, Hạnh cùng các giáo viên tình nguyện người Việt được trả lương chưa đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng các giáo viên luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đến khi trở về. "Tụi tôi như bị bỏ rơi. Ai cũng biết trước khó khăn khi qua tận đất Lào dạy học. Nhưng ai cũng tự nhắc mình phải cố gắng hoàn thành thời gian tình nguyện để khi về được ổn định. Giờ thì trở về con số 0" - cô Hạnh chua chát.
Loay hoay tìm giải pháp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, xác nhận đúng là thời điểm năm 2014 UBND tỉnh có ra quyết định tuyển giáo viên đi dạy tình nguyện tại Lào và kèm điều kiện khi trở về sẽ được xét tuyển đặc cách vào viên chức. Tuy nhiên, vào giữa năm 2019 UBND tỉnh đã có quyết định hủy bỏ quyết định cũ.
Theo bà Hương, lý do tỉnh bỏ quyết định cũ là để phù hợp với nghị định 161 của Chính phủ mới ban hành thời điểm đó. Nghị định này quy định lại các trường hợp được đặc cách xét tuyển viên chức và danh sách này không có các giáo viên tình nguyện quốc tế.
Cũng theo bà Hương, ngay khi có quyết định hủy bỏ quyết định xét đặc cách với giáo viên tình nguyện này, sở đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị tìm giải pháp. "Ngay sau đó sở cũng có văn bản gửi các huyện, thị trong tỉnh đề nghị các địa phương ưu tiên xét tuyển những giáo viên hoàn thành thời gian dạy tình nguyện ở Lào. Nhưng các địa phương đã từ chối với lý do không có căn cứ để ưu tiên" - bà Hương nói.
Bà Hương cho biết mới đây Sở GD-ĐT tiếp tục có tờ trình thứ hai gửi UBND tỉnh đề nghị tìm cách tháo gỡ cho việc này. Sau đó, trong cuộc họp ngày 3-7, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì tìm phương án giải quyết. "Sở đề nghị được giao biên chế trước khi đi. Tuyển thẳng biên chế từ đầu cho việc đi Lào dạy học sau đó về bố trí nơi công tác mới như luân chuyển. Phải như thế thì mới vừa đảm bảo việc dạy học cho con em Việt kiều tại Lào, vừa đảm bảo quyền lợi cho giáo viên tình nguyện" - bà Hương nêu quan điểm.
Phải ưu tiên tuyển dụng trong năm 2020
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng cần đảm bảo quyền lợi, ứng xử công bằng cho các giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ 3 năm giảng dạy ở Lào nhưng chưa được tuyển dụng. "Các em rất có tâm huyết, giảng dạy tích cực, hoàn thành nghĩa vụ ở Lào. Khi trở về, các em mong muốn cống hiến cho tỉnh.
Vì vậy, giao Sở Nội vụ cùng Sở GD-ĐT và Văn phòng UBND tỉnh có văn bản tham mưu ngay để UBND tỉnh quyết định. Từ nay đến cuối năm 2020, phải ưu tiên tuyển dụng 11 giáo viên dạy từ Lào đã trở về" - ông Hưng nói.