Giáo viên hợp đồng tại Quảng Trị nơm nớp nỗi lo thất nghiệp 

VOV.VN - Tỉnh Quảng Trị có hơn 600 trường hợp được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng từng năm một, chủ yếu là giáo viên.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 600 trường hợp được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng từng năm một, chủ yếu là giáo viên. Sử dụng lao động hợp đồng ngắn hạn kéo theo sự thiếu thống nhất về chính sách, chế độ bảo hiểm cho giáo viên ở nhiều địa phương, khiến người lao động nơm nớp nỗi lo mất việc làm.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tốt nghiệp ngành sư phạm toán. Tám năm trước, cô giáo Tuyết Nhung được nhận làm giáo viên hợp đồng tại trường học ở địa phương. Cứ đầu năm học thì cô Nhung được ký hợp đồng, đến hè lại bị cắt, cứ thế liên tục trong suốt 8 năm trời. Đầu năm học 2017- 2018, cô Tuyết Nhung không được ký lại hợp đồng. Yêu nghề, cô Nhung miệt mài cống hiến dù lương thấp, cuộc sống vất vả… những mong mong được làm việc lâu dài.

 

giao vien hop dong tai quang tri nom nop noi lo that nghiep hinh 1
Giáo viên hợp đồng tại Quảng Trị nơm nớp nỗi lo thất nghiệp.

 

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung bộc bạch: "Quá trình công tác của tôi được 8 năm, 2 năm tại trường THCS Gio An và 6 năm tại trường THCS Trung Sơn. Đến năm 2017 thì tôi bị cắt hợp đồng do trường không kí hợp đồng nữa. Bây giờ tôi đã lớn tuổi rồi, đi xin các doanh nghiệp khác thì chắc chắn họ sẽ không nhận chúng tôi, chưa biết phải làm việc gì".

Trước đây UBND các huyện trực tiếp kí hợp đồng lao động với các giáo viên, nhưng hiện nay việc này được giao về cho hiệu trưởng các trường thực hiện. Thế là nảy sinh ra việc không thống nhất. Có nơi, hiệu trưởng ký hợp đồng lao động với giáo viên từ 12 đến 36 tháng, có nơi dưới 12 tháng theo từng năm học. Chế độ chính sách không thống nhất, bảo hiểm xã hội cho giáo viên thì nơi có nơi không. Bên cạnh đó, có hiệu trưởng hôm nay hợp đồng với giáo viên này, ngày mai ký giáo viên khác dẫn tâm lý bất an của một bộ phận giáo viên hợp đồng ngắn hạn.

Ông Nguyễn Thế Lập, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đề nghị: "Tỉnh phải tập trung chỉ đạo cơ cấu lại vấn đề trường lớp trên địa bàn tỉnh cho phù hợp gắn liền với định biên, khi cơ cấu xong thì chúng ta có định biên. Sau khi hợp đồng thì tỉnh có quy định thống nhất chung cho vấn đề mức lương hợp đồng và ngân sách tỉnh phải có hỗ trợ một phần, có quy định thế nào đó trong ưu tiên tuyển dụng đối với những trường hợp này."

Đầu năm học này, tại huyện Gio Linh đã có 67 giáo viên và nhân viên bị cắt hợp đồng. Trong đó, nhiều người có đã có thâm niên từ 5 năm đến 10 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng biển, vùng khó của huyện. Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho thấy, hiện tỉnh này còn 611 trường hợp đang trong chế độ hợp đồng lao động, chủ yếu là giáo viên. Ông Hồ Ngọc An, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị lí giải, Hội đồng nhân dân tỉnh có nghị quyết về chấm dứt hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính sự nghiệp. Hơn nữa, do trước đây độ tuổi học sinh đến trường đông nên nhu cầu giáo viên lớn, nay định mức về giáo viên đã giảm.

Ông Hồ Ngọc An nói: "Thực tế việc kí kết hợp đồng đối với giáo viên trong những năm trước khá là dễ dãi. Những trường hợp này hiện nay về cơ cấu đội ngũ có những bất cập liên quan đến cơ cấu giáo viên, do quy mô trường lớp của chúng ta nhỏ, học sinh giảm cho nên số lớp giảm, số lớp giảm thì định mức giáo viên giảm theo. Sắp đến cùng với việc tổ chức lại trường lớp tăng số lớp, quy mô lên thì mới đảm bảo có đủ giáo viên cho một vị trí./."

CTV Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung
772 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 663
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 663
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87245158