Giáo viên hợp đồng tại Quảng Trị không được thực hiện đầy đủ chế độ chính sách 

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 giáo viên hợp đồng nhưng đa số người lao động (NLĐ) không được thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách

Trong lúc Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh yêu cầu chấm dứt số hợp đồng này, thì ở các địa phương, đặc biệt là các trường học miền núi vẫn thiếu giáo viên, nếu chấm dứt hợp đồng sẽ không đảm bảo được công tác giáo dục. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị cần đưa ra phương án và giải quyết chế độ cho họ.

Chưa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ

Hiện nay, ở nhiều trường học ở tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các huyện miền núi vẫn còn nhiều giáo viên được nhà trường ký hợp đồng làm việc. Do việc chi trả tiền lương và các chế độ do trường tự chủ, nên nảy sinh nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị - cho biết, thực trạng hợp đồng đối với đội ngũ giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương hiện rất đáng quan tâm, bởi xung quanh vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi cần được giải quyết.

Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, đến thời điểm này tại địa phương có 993 giáo viên đang làm việc theo hình thức hợp đồng. Việc ký hợp đồng không thống nhất, có nơi hiệu trưởng hợp đồng thời gian từ 12-36 tháng, có nơi không xác định thời hạn, có nơi hợp đồng dưới 12 tháng theo năm học.

Mặt khác, các chế độ chính sách liên quan cũng không thống nhất, kể cả từng huyện, từng địa bàn. Đặc biệt, không ít NLĐ là giáo viên hợp đồng không được hưởng các chế độ theo quy định.

“Có nơi tiền lương một mức, có nơi cao tùy vào mức thu của từng trường, có nơi NLĐ được đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), có nơi không thực hiện. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ gây hệ lụy” - ông Lập nói.

Đơn cử, như việc NLĐ không yên tâm khi cứ chờ đợi cơ hội được tuyển dụng từ năm này sang năm khác nhưng không có chỉ tiêu, hoặc có chỉ tiêu thì rất ít. Vì việc hợp đồng do nhà trường quyết định, nên có thể hôm nay hợp đồng người này, mai hợp đồng người kia.

“Nguy cơ bộ phận này bị mất hợp đồng, bị đưa ra ngoài là rất lớn. Ngoài ra, một bộ phận hợp đồng không được hưởng chế độ dành cho NLĐ, đến khi được hưởng thì có thể lúc về hưu lương hưu quá thấp” - ông Lập nêu.

Cần thống nhất trong việc hợp đồng giáo viên

Để đảm bảo quyền lợi đối với giáo viên hợp đồng tại địa phương, ông Nguyễn Thế Lập cho rằng, cần cơ cấu lại vấn đề trường lớp gắn với định biên. Nếu trường lớp nào trong quy định biên chế mà không đủ, trường thuộc diện đặc thù thì cần phải có hợp đồng để đảm bảo công tác giáo dục.

Sau khi hợp đồng, cần có quy định chung về mức lương hợp đồng và thực hiện các chính sách theo quy định của pháp luật, trong đó ngân sách tỉnh phải chịu một phần chứ không để cho các trường tự chi trả.

Phản ánh về vấn đề thiếu giáo viên nhưng chỉ tiêu còn bị bớt, bà Hồ Thị Cam - Đại biểu HĐND huyện Đak Rông - dẫn chứng, năm học 2017-2018 này, huyện thiếu 72 biên chế. Nhưng khi cấp trên giao chỉ tiêu xuống, thì trừ đi 32 suất ở vị trí kế toán và nhân viên y tế với lý do tạm dừng tuyển dụng theo chủ trương. Nếu trừ đi các chỉ tiêu này thì sẽ giảm số giáo viên đứng lớp, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Ngoài ra, việc xác định chỉ tiêu biên chế dựa vào định mức sĩ số học sinh và lớp học mà các cấp đang đặt ra, áp dụng không phù hợp với huyện. “Vì là huyện miền núi, có nhiều điểm trường, điểm lẻ sĩ số có khi hơn chục em học sinh, nhưng vẫn phải tổ chức lớp học mà áp dụng định mức đó, thì việc thiếu giáo viên là rất trầm trọng. Vì vậy đề nghị đối với các huyện miền núi cần cho cơ chế hợp đồng giáo viên, nếu chấm dứt hợp đồng thì không đảm bảo được, đó là thực tế” - bà Cam cho hay.

Giải trình vấn đề này, ông Hồ Ngọc An - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị - thừa nhận, dù HĐND tỉnh Quảng Trị và UBND tỉnh Quảng Trị đã có nghị quyết, yêu cầu chấm dứt hợp đồng, nhưng vẫn còn 611 giáo viên hợp đồng được chi trả lương từ nguồn ngân sách. Lý do là bởi, ở một số bộ môn giáo viên thiếu, ngược lại có môn thừa nhưng chưa tinh giản được biên chế.

Bên cạnh đó, có một số môn ít tiết, không đủ để tuyển biên chế nên nhiều trường dùng 1 chỉ tiêu biên chế để tuyển 2, 3 hợp đồng. “Chưa cắt hợp đồng được vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học” - ông An thông tin.

Để giải quyết đội ngũ giáo viên hợp đồng, Sở Nội vụ đang đề nghị các huyện rà soát lại, đẩy mạnh tinh giản biên chế, để có vị trí việc làm, tuyển những vị trí còn thiếu. Ông An thừa nhận, việc các giáo viên hợp đồng chưa được thực hiện chế độ chính sách. Ví như BHXH, luật quy định mỗi người làm trên 16 ngày/tháng mới đóng BHXH, còn giáo viên hợp đồng không đủ thời gian nên không đóng.

Nói chung chung như vậy, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều giáo viên hợp đồng làm hơn 16 ngày/tháng vẫn không được hưởng đầy đủ các chế độ.

HƯNG THƠ

843 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 725
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 725
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87245682