Tạn nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân, sau đó là những người khác.
(Ảnh: hanoimoi.com.vn)
Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019, cả nước xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 96 người, bị thương 96 người. Như vậy, bình quân số người chết vì tai nạn giao thông là 19,2 người/ngày.
Những con số lạnh lùng ấy, phản ánh thứ tai họa khủng khiếp đối với đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến sinh mạng con người. Một người bị tai nạn giao thông tử vong hay tàn phế thường kéo theo sự tan nát của một gia đình, làm hỏng cuộc đời của những đứa con thơ dại, vì đa số họ đang ở tuổi lao động, là trụ cột gia đình. Cho nên nạn nhân gián tiếp của một vụ tai nạn giao thông cao hơn nhiều lần con số thống kê và hậu quả của nó thì kéo dài nhiều tháng, nhiều năm sau đó cũng không thể khắc phục hết.
Vụ tai nạn giao thông vào khoảng 0 giờ 15 phút ngày 1/5 vừa qua trên đường Kim Liên (Hà Nội) khiến hai phụ nữ sinh năm 1976 thiệt mạng tại chỗ. Đó là chị Đinh Thị Hải Yến (ở Bạch Mai, Hà Nội) và chị Trần Thị Quỳnh (ở Láng Thượng, Hà Nội).
Chị Đinh Hải Yến là nhân viên phục trang của Nhà hát Kịch, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chồng ốm yếu, con bị tự kỷ, chị là trụ cột của gia đình. Chị Trần Thị Quỳnh là giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh, một giáo viên giỏi, viết chữ đẹp có tiếng. Hai người phụ nữ mất đi, chồng con họ sẽ chống chọi thế nào với những khó khăn chồng chất trong những năm tháng sắp tới?!
Và trước đó, tại Hà Nội, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường Láng ngày 22/4, cũng gây tan nát một gia đình. Chiếc xe ô tô bất ngờ mất lái rồi đâm hàng loạt phương tiện, sau đó lao vào chị Lê Thị Thu Hà (42 tuổi), công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đang quét rác, khiến chị Hà tử vong tại chỗ. Chị Hà đang nuôi hai con, sống với mẹ già, gia cảnh hết sức neo đơn. Sự ra đi của chị khiến mẹ già, con nhỏ bơ vơ...
Điều đáng nói cả hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nêu trên đều có chung nguyên nhân là người lái xe ô tô đã sử dụng bia rượu khi lái xe.
Đó chỉ là một vài trong số nhiều ngàn người thiệt mạng do tai nạn giao thông mỗi năm ở nước ta, phản ánh hậu quả vô cùng đau đớn, nghiêm trọng của tai nạn giao thông.
Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, nước ta đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,4/100.000 người. Trong khi đó, Báo cáo năm 2017 của WHO tỷ lệ trung bình người tử vong vì tai nạn giao thông trên 100.000 dân tại các nước phát triển chỉ là 9,3.
Theo tờ Journey Tokyo, tỷ lệ tử vong do tai nạn xe ở Nhật chỉ có 0,77. Điều gì làm nên sự kỳ diệu đến thế ở Nhật Bản để Việt Nam có thể tham khảo để tiếp thu, áp dụng nhằm cải thiện tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng hiện nay?
Trước hết là ở Nhật Bản, người đi đường vô cùng tôn trọng quy tắc giao thông, họ không bao giờ chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… Nhìn thì có vẻ là hành động đơn giản, thật ra phía sau đó có yếu tố giáo dục đạo đức.
Việt Nam hiện rất yếu về ý thức của người tham gia giao thông, dù đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến. Do đó, phải thay đổi biện pháp tuyên truyền, giáo dục về ý thức khi tham gia giao thông sao cho hiệu quả hơn.
Thứ hai, Nhật Bản nghiêm cấm lái xe sau khi uống rượu. Nhật Bản quy định hành vi lái xe sau khi uống rượu là phạm tội hình sự, và tùy từng trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe, ngồi tù, phạt tiền...
Như vậy là pháp luật của Nhật nghiêm khắc hơn pháp luật nước ta đối với lỗi lái xe sau khi uống rượu. Ở Việt Nam chỉ khi gây tai nạn thì uống rượu mới là yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự, nếu chưa gây tai nạn thì chỉ bị xử phạt hành chính. Thực trạng vô số vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người do lái xe sử dụng bia rượu hiện nay, đặt ra yêu cầu tăng cường tính nghiêm khắc hơn nữa của pháp luật đối với hành vi nguy hiểm này của người lái xe.
Thứ ba, ở Nhật có rất nhiều đèn giao thông, điều này khiến xe không thể chạy quá nhanh. Nhật Bản cũng trang bị nhiều thiết bị an toàn giao thông như gương giao thông góc rộng ở rất nhiều nơi, tại các ngã tư hầu như đều có nút bấm ưu tiên cho người đi bộ.
Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra cho nước ta, trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn giao thông như biển báo, đèn tín hiệu, gương lồi, rào chắn giao cắt giữa đường bộ và đường sắt… là một đòi hỏi rất cấp bách hiện nay.
Một nguyên nhân nữa là Nhật Bản có hệ thống giao thông công cộng được xây dựng đồng bộ cùng với sự đa dạng các loại phương tiện giao thông. Tokyo là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới, với trên 12,5 triệu dân, nhưng Tokyo rất ít khi xảy ra tình trạng tắc đường. Nguyên nhân do hệ thống giao thông của Tokyo được thiết kế hợp lý, đa dạng... Không chỉ có Tokyo, tất cả hệ thống đường giao thông Nhật Bản được chuẩn hóa từ vùng quê cho đến thành phố, mọi ngõ ngách đều có phân luồng, dải phân cách rõ ràng cho xe máy, ô tô và có lối đi riêng cho người đi bộ.
Không có cách nào khác, Việt Nam cũng phải từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng theo những nguyên tắc, kinh nghiệm mà những nước phát triển như Nhật Bản và nhiều nước khác đã thực hiện.
Cuộc chiến khốc liệt chống tai nạn giao thông ở Việt Nam đang cần nhiều nỗ lực từ chính mỗi người dân và Nhà nước./.
Thái Vũ