"Xe máy ứng cứu giao thông" đang hốt dọn đất đá sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Hướng Hóa
Sáng 11/9, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, địa phương vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đồng thời đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng nặng.
Hướng Hóa là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo UBND huyện Hướng Hóa, tổng thiệt hại do mưa lũ tính đến thời điểm hiện tại trên 37 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại về giao thông trên 27 tỷ đồng. Trong đó, đường Cu Vơ (xã Hướng Linh), mặt đường bị xói lở nhiều vị trí với tổng chiều dài 1.000m; 8 vị trí bị sạt lở mái ta luy dương tại các vị trí từ Km 1+500 - Km 300, đất đá và cây cối tràn ra mặt đường với khối lượng khoảng 3.500m3, gây tắc đường. Hiện tại, trên đỉnh và sườn mái ta luy của các vị trí đã bị sạt lở vẫn còn một lượng đất đá và cây cối có nguy cơ tiếp tục sạt lở…
Đường Hướng Tân - Hướng Linh mặt đường bị lún, nứt vỡ tổng diện tích khoảng 1.500m2, lề đường bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 2.000m; 6 vị trí bị sạt lở mái ta luy dương tại các vị trí từ Km 1+200 - Km 7, tổng khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 7.500m3, trong đó có 3 vị trí bị sạt lở với khối lượng lớn gây tắc đường… Đường A Túc - Xy, mặt đường bị lún, nứt vỡ, xói lở nghiêm trọng trải dài trên toàn tuyến, tổng diện tích hư hỏng khoảng 5.000m2.
Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông
Đường Thuận - Hướng Lộc, mặt đường bị lún, nứt vỡ, xói lở nghiêm trọng trải dài trên toàn tuyến, tổng diện tích hư hỏng trên 2.000m2; lề đường bị xói lở với tổng chiều dài trên 1.000m. Đường Cha Lỳ - Cù Bai, mặt đường bị xói lở với tổng chiều dài trên 500m, mái ta luy cống tràn tại thôn Sê Pu bị xói lở dài trên 20m...
Ngoài ra, nhiều cầu, cống tràn như cầu thôn Ruộng (xã Hướng Tân), cầu thôn Tân Hào (xã Tân Liên), cầu bản Vây 1 (xã Tân Lập), cống tràn đường vào thôn A Môr (xã A Xing), cống thôn Xa Doan (xã A Dơi); cống tràn liên thôn Tân Vĩnh - Ruộng, cống tràn thôn Xa Re - Ruộng, cống tràn thôn Ruộng - Xa Rường (xã Hướng Tân) và cống tràn khối 7 thị trấn Khe Sanh đi Xa Re xã Hướng Tân… bị xói lở, hư hỏng nặng.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 10 và sáng 11/9, ngoài các tuyến đường do địa phương quản lý, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ ngã 3 QL9 vào đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa (do Chi cục QLĐB II.05 quản lý) cũng đã xuất hiện hàng chục vị trí sạt lở, trong đó có nhiều điểm đất đá sụt trượt xuống mặt đường với khối lượng lớn gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, đoạn qua đèo Sa Mù trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Hướng Hóa (do Chi cục QLĐB II.04 quản lý) đã xuất hiện các điểm sạt cực lớn gây chia cắt giao thông.
Sau khi xử lý đảm bảo giao thông bước 1, hiện nay, các máy múc vẫn đang tiếp tục hốt dọn đất đá tại các vị trí sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Hướng Hóa.
Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến đường Hồ Chí Minh qua huyện Hướng Hóa xuất hiện nhiều điểm sạt lở
Đất đá sụt trượt xuống án ngữ gần 1/2 mặt đường tại đoạn đường cong
Một trong những vị trí đất đá sụt trượt xuống tràn mặt đường
Một vị trí sạt lở khác trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Hướng Hóa
Phía 2 đầu trụ Km này là 2 điểm sạt lở, hướng từ QL9 đi ra Quảng Bình
... Và hướng từ Hướng Hóa ra QL9
Đất đá, cây cối án ngữ 1/2 mặt đường
Đất đá, cây cối từ mép núi sụt trượt xuống tràn mặt đường tại một vị trí sạt lở khác
Một vị trí sạt lở khác tại đường cong đoạn Km 220
Mưa lớn khiến một khối lượng lớn đất từ mép núi... vượt qua tường ngăn sạt lở tràn xuống mặt đường
Đất đá sụt trượt cũng "xô" hàng loạt cây cối xuống đường Hồ Chí Minh
Đất đá tràn ra gần 1/2 mặt đường
Điểm sạt lở cách chân đèo Sa Mù hướng Quảng Trị đi Quảng Bình chừng 1km vừa được hốt dọn
Vị trí sạt lở này vừa được hốt dọn, nhưng nguy cơ sạt lở tiếp diễn
Sau khi thông xe vào trưa 9/9, hiện các máy múc vẫn đang tiếp tục hốt dọn đất đá sụt trượt xuống đường Hồ Chí Minh qua đèo Sa Mù
Duy Lợi