Sinh ra và được nuôi dưỡng tại vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ thời niên thiếu, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh đã sớm tham gia kháng chiến chống Pháp, làm nhân viên quân báo huyện đội Gio Linh và năm 1949. Ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1949, năm ông mới 16 tuổi.
Sau thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh được tập kết ra miền Bắc. Ông sớm được đưa vào học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1959, ông tốt nghiệp và được chọn đưa đi đào tạo tại Liên xô trong hơn 8 năm tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov danh tiếng, từ một thực tập sinh cao cấp đến khi nhận bằng tiến sĩ ngữ văn. Về nước, Hồ Sĩ Vịnh về công tác tại Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; sau đó ông chuyển về Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thông tin nhận công tác thư ký tòa soạn rồi Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật kiêm ủy viên Hội đồng khoa học Viện, cơ quan nghiên cứu văn hóa nghệ thuật lớn nhất đất nước hơn 10 năm liền (1986-1996). Ông đã từng giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam, như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa Hà Nội, và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông cũng đã tham gia nhiều hoạt động khoa học và văn hóa trong và ngoài nước, như là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn hóa Nga - Việt Nam, và Hội Văn hóa Hòa giải Quốc tế.
Sau khi về hưu, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh tham gia sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc (nay là Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc trực thuộc Liên hiêp các Hôi Khoa học và Kỹ thuật VN), trực tiếp làm Tổng Biên tạp tạp chí Văn hiến VN từ năm 2000 đến năm 2006.
Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, nổi bật là những nhiều đầu sách học thuật mới mẻ và nhiều giá trị như: A.X Puskin (chân dung văn học, 1983), M.Gorki với văn nghệ dân gian (1985), Lênin và sự hình thành người nghệ sĩ kiểu mới (1986), Tư duy mới và phẩm chất văn nghệ sĩ (1989), Tìm về bản sắc dân tộc trong văn hóa (chủ biên, 1993), Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới (1999), Văn hóa Việt Nam-một chặng đường (chủ biên 1994), Văn hóa, văn học - Một hướng tiếp cận mới (1998), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đạm đà bản sắc văn hóa dân tộc (viết chung, năm 2001), Dòng chảy văn hóa và người Quảng Trị (2002)… , đặc biệt là bộ sách Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh gồm 3 tâp xuất bản năm 2002 (tập I), năm 2009 (tập II) và năm 2013 (tập 3) gần 3000 trang do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản với sự cộng tác của tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh được coi là nhà nghiên cứu văn học Nga và văn hóa nghệ thuật VN tâm huyết, trách nhiệm, có tầm bao quát và kiến thức sâu rộng, có uy tín cao.
Ngoài học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ, Hồ Sĩ Vịnh vinh dự được Viện Hàn lâm nghệ thuật Phương Đông Cộng hòa Liên bang Nga trao bằng Viện sĩ năm 2002. Năm 2024, Hồ Sĩ Vịnh vinh dự được trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Trong quá trình công tác ông còn nhận được nhiều phần thưởng vinh dự khác như huy chương Chiến thắng hạng nhì trong kháng chiến chống Pháp, huân chương Kháng chiến hạng ba trong kháng chiến chống Mỹ và đặc biệt là huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng năm 2009…
Cuộc đời 91 tuổi của giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh với tầm nhìn bao quát, tài năng sáng tạo và lao động khoa học nghiêm cẩn, ông đã để lại một di sản quý giá đóng góp nhiều cho văn hóa Việt Nam và văn hóa Nga.
Trong cuộc sống, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh luôn là một con người khiêm nhường, tận tụy, ân nghĩa với mọi người, luôn là tấm gương sáng của một nhà báo, nhà khoa học nhân văn chân chính, tôn trọng sự thật và chân lý, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phi dân tộc, phi nhân văn. Đặc biệt, ông luôn thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng các cộng sự cấp dưới, vô tư giúp họ trưởng thành, thành công trong công tác và sự nghiệp báo chí, khoa học.
Trong gia đình, ông là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, luôn cổ vũ và ủng hộ con cháu phấn đấu thành công bằng nỗ lực học tập và phấn đấu vươn lên không ngừng của bản thân. Ông còn là một con người rất yêu, tự hào và sẵn sàng tự nguyện làm bất cứ việc gì trong khả năng để đóng góp cho quê hương Quang Trị. Tuy sống ở Hà Nội và khi đã tuổi cao sức yếu, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh vẫn thường xuyên đưa gia đình về thăm quê hương và đã trực tiếp viết hoặc chủ biên một số cuốn sách về đất và người Quảng Trị (Nhân vật chí).
Chúng ta luôn tự hào về sự nghiệp phong phú và nhân cách cao đẹp của giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh. Hình ảnh, sự nghiệp, nhân cách của ông sẽ còn sống mãi với quê hương, đất nước, gia đình và tâm khảm của mỗi chúng ta. Nguyễn Thị Thu Hà