|
GS. TS Raymond Gordon phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP |
Ông là chuyên gia nước ngoài duy nhất có tham luận được in trong tài liệu của Hội nghị do lãnh đạo Chính phủ Việt Nam chủ trì.
GS. TS Raymond Gordon cho rằng lực lượng lao động của Việt Nam đạt khoảng 54,4 triệu người, chiếm khoảng 58,9% tổng dân số, nhưng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), “chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đạt mức 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng”.
Về số lượng, tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt trình độ cao đẳng trở lên so với tổng số lực lượng lao động chưa cao, chỉ chiếm khoảng 13% tổng số lực lượng lao động.
Về chất lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, năng lực xã hội của người học sau khi ra trường còn hạn chế, chưa theo kịp xu thế của thời đại. Chẳng hạn, đối với nhân lực ngành công nghệ thông tin, hiện nay 72% số sinh viên ngành công nghệ thông tin không có kinh nghiệm thực hành, 42% số sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Theo phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động, phần lớn người học sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng vào làm việc đều phải đào tạo lại.
GS Raymond Gordon dẫn dự báo của các chuyên gia cho biết, dưới tác động của những đột phá về công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai không xa, nhiều lao động trong các ngành, nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có đến 86% số lao động trong các ngành dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm.
GS Raymond Gordon đề xuất Chính phủ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và thi hành các chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục, đầu tư giáo dục tại Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đầu tư và phát triển tại Việt Nam. “Phát triển kỹ năng ngày hôm nay để tăng trưởng và có lực lượng lao động cạnh tranh trong tương lai”.
Về phương diện đào tạo, cần trang bị các giá trị kỹ năng mà giảng viên, phụ huynh và sinh viên thấy cần thiết; bổ sung các kỹ năng làm việc vào chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông. Gia tăng giá trị của việc làm thông qua việc đào tạo liên thông, ví dụ, học sinh được phép học một phần hoặc thậm chí toàn bộ chương trình cao đẳng kinh doanh như một phần của chương trình trung học phổ thông để thay thế các môn học chính quy.
GS cũng kiến nghị củng cố sự thống nhất của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung trình độ quốc gia bậc cao đẳng. Đó là củng cố giá trị lộ trình bản lề liên thông giữa các cấp trung học phố thông, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học. Sử dụng một Khung trình độ quốc gia thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập suốt đời, cho phép người học linh hoạt để liên tục tham gia vào các khóa học trong suốt quá trình học tập.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động).
Mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. Chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018; tương tự, của Malaysia từ 42.397 USD lên 47.545 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD.
Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động của Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo tăng dần qua các năm nhưng đến năm 2011, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 15,4%, năm 2018 đạt 21,9%. Như vậy, Việt Nam hiện có tới 42,4 triệu lao động (chiếm 78,1% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Ngoài ra, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, năm 2015 tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là: 1- 0,35-0,63-0,38, điều này cảnh báo thực trạng thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao.
An Bình