Giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 

(ĐCSVN) – Ngày 12/5, tại Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự.

Tham dự buổi giao lưu có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trần Bình Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại buổi giao lưu, những cá nhân tiêu biểu: TS Trần Hữu Lộc, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông – Lâm thành phố Hồ Chí Minh; Kỹ sư Văn Công Hoà, công nhân Công ty Cổ phần Thép Nhà Bè; Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Minh Quang, nguyên Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội; bà K'Hiếu, ở tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, Việt kiều Thái Lan… đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về những việc làm thiết thực, bình dị mà cao quý noi theo tấm gương Bác Hồ.

TS Trần Hữu Lộc, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông – Lâm thành phố Hồ Chí Minh được người dân gọi trìu mến là “Tiến sĩ tôm” vì anh đã có những nghiên cứu thiết thực giúp cho người nuôi tôm Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn 2010-2013. Bởi năm 2010, Việt Nam xuất hiện hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp của tôm làm tôm chết hàng loạt, thời điểm đó nước ta đã bị thiệt hại hàng tỷ đô la mà chưa tìm ra được nguyên nhân.

Trước thách thức đó, giảng viên Trần Hữu Lộc đã say mê nghiên cứu tìm tòi giải pháp khắc phục khó khăn cho người dân nuôi tôm. Với đề tài nghiên cứu của mình, giảng viên Trần Hữu Lộc đã nhận được cùng lúc 3 suất học bổng tiến sĩ toàn phần của Mỹ và anh đã chọn học ở Trường Đại học Arizona.

Với nỗ lực của mình, sau gần 3 năm nghiên cứu, năm 2013, Trần Hữu Lộc đã xác định được nguyên nhân gây cho tôm chết hàng loạt là do mắc phải bệnh EMS/AHPNS. Nghiên cứu của Trần Hữu Lộc được xem là nghiên cứu táo bạo, có đóng góp rất lớn cho ngành nuôi tôm thế giới. Vì vậy, đề tài của Trần Hữu Lộc được các chuyên gia đánh giá rất cao và anh được nhiều công ty của Mỹ mời về làm việc với mức lương hàng nghìn đô la. Nhưng “Buổi sáng báo cáo đề án tốt nghiệp xong, ngay hôm sau tôi xách ba lô về Việt Nam ngay và bắt tay xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam”, anh Hữu Lộc chia sẻ tại buổi giao lưu.

TS Trần Hữu Lộc tâm sự, suy nghĩ của anh lúc đó là ghi nhớ lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, bởi vậy ở môi trường quốc tế, anh đã linh hoạt khắc phục những khó khăn trong nước, học tập ở Bác tư tưởng tiến bộ của quốc tế để thực hiện công việc của mình.

“Tôi học hỏi từ Bác Hồ tư tưởng quốc tế. Quá trình mình nghiên cứu, làm việc không chỉ vì nông dân Việt Nam mà còn vì cả nông dân thế giới. Không chỉ làm việc với các nhà khoa học Việt Nam mà còn cả với các nhà khoa học, công ty, cơ quan nghiên cứu quốc tế. Trên cơ sở đó, tạo mối liên kết trong việc chia sẻ thông tin khoa học, công nghệ và nguồn lực, từ đó giúp cho khoa học phát triển”, anh Lộc nói.



Các đại biểu tham dự buổi giao lưu.
Những chia sẻ tại buổi giao lưu cho thấy tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân trong nước mà còn với cả kiều bào ta ở nước ngoài. Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan là minh chứng cho điều đó.  Trong suốt thời gian ở Thái Lan, 40 năm qua, bà Oanh đã mở lớp dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại Thái Lan, qua đó góp phần nhân lên tình cảm với quê hương, với đất nước, với Bác Hồ của bà con Việt kiều tại Thái Lan.

Tại buổi giao lưu, các điển hình tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đã chia sẻ những việc làm, những câu chuyện thực tế về ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như: chiến sĩ công an trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc; bác sĩ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh, hay tấm lòng người mẹ sẵn sàng cưu mang những em nhỏ có mảnh đời bất hạnh... Qua những câu chuyện xúc động từ các tấm gương này cho thấy, với lòng thành kính, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là động lực để mỗi người quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm được nhiều việc tốt cho xã hội/.

Tin, ảnh: Phạm Cường

721 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1389
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1390
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87174819