Dấu ấn
Trước hết là rà soát, sắp xếp lại các đơn vị trường học để phù hợp quy mô trường lớp. Hiện nay toàn tỉnh có 400 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, giảm 96 đơn vị so với trước khi tổ chức sáp nhập; trong đó: Khối mầm non: 166 đơn vị (giữ nguyên) nhưng số đơn vị công lập giảm 06 đơn vị và số đơn vị tư thục lại tăng 06 đơn vị; Khối trường tiểu học: 69 đơn vị, giảm 87 đơn vị; tiểu học và trung học cơ sở 80 đơn vị, tăng 62 đơn vị; trung học cơ sở: 43 đơn vị, giảm 69 đơn vị; trung học cơ sở và trung học phổ thông: 06 đơn vị, tăng 03 đơn vị; và khối trung học phổ thông 24 đơn vị, giảm 03 đơn vị; trường phổ thông nhiều cấp học (tư thục): 02 đơn vị, tăng 01 đơn vị; các trung tâm: 10 đơn vị, giảm 03 đơn vị. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 33 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 11 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và 8 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Vấn đề không chỉ là con số, mà từ sắp xếp đã định ra hướng đầu tư cho tương lai.
Dấu ấn thứ hai đó là“Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, năng lực đổi mới, sáng tạo của nhà giáo; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh”. Đây không chỉ là chủ đề năm học mà mục tiêu lâu dài của toàn ngành. Năm học vừa qua, nhiều đơn vị, trường học đã tăng cường công tác quản lý, tổ chức tốt các diễn đàn và hoạt động chuyên môn phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Nhiều trường học xây dựng các mô hình câu lạc bộ, tổ chức hội thi, hội diễn, hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống, xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc, trong đó, liên hoan “Văn hóa học đường” của Ngành Giáo dục Quảng Trị có sức lan tỏa lớn trong xã hội, đáp ứng nhu cầu chung về thưởng thức, sáng tạo các giá trị văn hóa, nghệ thuật, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng các chuẩn mực văn hóa xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa trong nhà trường.
Dấu ấn thứ ba là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, với số lượng 13.160 học sinh, tỉ lệ học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày đạt gần 94%. 100% các cơ sở giáo dục tiểu học đã tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và thực hiện khá hiệu quả; 134 “Mô hình sáng tạo” được tổ chức thực hiện trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Điều động lại là học sinh lớp 1 đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học, các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và giao tiếp; năng lực về ngôn ngữ và tính toán của các em cũng phát triển nhanh hơn so với học sinh lớp 1 các năm trước; các hoạt động trải nghiệm đã góp phần giúp các em phát huy được phẩm chất, năng lực của bản thân. Kết quả học sinh hoàn thành chương trình lớp học đối với lớp 1 tăng 0,68% so với năm học trước.
Khoảng lặng
Việc thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, năm học vừa qua, Sở đã tổ chức tập huấn cho 177 giáo viên phụ trách hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các trường trung học, trung tâm GDNN-GDTX trong toàn tỉnh về kỹ năng tư vấn hướng nghiệp học sinh trung học. Các trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương ban hành các văn bản thực hiện kế hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học tại các đơn vị. Cũng trong năm học toàn tỉnh có 3.627 học sinh THCS và 7.377 học sinh THPT học nghề phổ thông tại các trung tâm GDNN-GDTX, có 125 học viên vừa học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Một số trung tâm GDNN-GDTX đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế triển khai hoạt động liên kết đào tạo nghề trong năm học 2021 - 2022. Nhưng... theo mục tiêu đã đề ra thì đến năm 2020, sẽ có 15% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trình độ trung cấp, sơ cấp; 20% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề ở trình độ cao đẳng; đến năm 2025, sẽ có 25% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trình độ trung cấp, sơ cấp; 30% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề ở trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, đến nay công tác phân luồng học sinh vẫn chưa đạt yêu cầu và hiện mới chỉ đạt tỷ lệ trên 5,7% theo chỉ tiêu đề ra, nên việc thực hiện được chỉ tiêu phân luồng theo Kế hoạch số 1967/KH-UBND của UBND tỉnh là hết sức khó khăn.
Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu; với chủ đề “Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” , trên nền tảng dấu ấn và cả khoảng lặng, chúng ta hy vọng ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ gặt hái nhiều thành công mới. Trí Ánh