Theo đó, hàng năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các trường phổ thông, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức sinh hoạt chính trị đầu khóa cho học sinh, sinh viên với những nội dung thiết thực như: Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và của tỉnh; chủ trương, chính sách mới của giáo dục nghề nghiệp; về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm tham gia hoạt động tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ - đội - nhóm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường. Phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo, an toàn khi tham gia giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn, phòng cháy chữa cháy. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19…Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' với trọng tâm là bồi dưỡng ý thức tự giác của học sinh, sinh viên trong học tập, hoạt động xã hội, rèn luyện phẩm chất chính trị và nhân cách; ý thức học tập, tu dưỡng đạo đức, lễ phép, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi, thương yêu giúp đỡ bạn bè, văn minh trong ứng xử, không vi phạm nội quy nhà trường và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động tình nguyện...Nhiều đơn vị, trường học đã có các hoạt động thiết thực như: mời báo cáo viên nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, giáo viên, học sinh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; "Chúng em kể chuyện Bác Hồ'' và “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Con người và phong cách của Bác trong các tác phẩm văn học nghệ thuật'', "Hát về Người"; "Theo Chân Bác "... Nhiều đơn vị, trường học đã xây dựng các công trình, phần việc mừng sinh nhật Bác và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Các hoạt động trên đã được tổ chức thành nền nếp, thực sự đã đi vào đời sống, trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hoá sâu rộng, tạo được ấn tượng và hiệu quả cao, khơi dậy và trang bị cho thế hệ trẻ những truyền thống quý báu, lòng tự hào dân tộc, khích lệ phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt " trong các nhà trường; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong việc thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của nhà trường.
Các trường có cấp trung học phổ thông tổ chức các lớp bồi dưỡng cảm tình Đoàn, tổ chức cho đoàn viên thanh niên học tập; vận động học sinh, sinh viên hưởng ứng tham gia tích cực các cuộc thi, nhất là cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ năm 2019, triển khai mô hình “Đảng viên tuổi 18” trong các trường THPT, toàn tỉnh đã có hàng trăm học sinh được tham gia học lớp cảm tình Đảng và đã có 151 học sinh được kết nạp Đảng[1]. 100% trường THPT thành lập Câu lạc bộ Lý luận trẻ và hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, trường học của ngành giáo dục đảm bảo. Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động tình nguyện hè hàng năm cho thanh niên, trong đó nòng cốt là cán bộ đoàn và các đoàn viên ưu tú của các trường trung học phổ thông; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Chương trình “Học kỳ quân đội”; Thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục cho các em về lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng, bồi dưỡng các kỹ năng vận động, sinh hoạt tập thể, rèn luyện tinh thần đồng đội, ý thức kỷ luật cao. Ngành Giáo dục - Đào tạo thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục… tạo sự chuyển biến trong xây dựng văn hóa học đường như: Tổ chức hát Quốc ca trong lễ chào cờ Tổ quốc, hoạt động thể dục thể thao, tạo cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh. Năm học (2019 – 2020) và năm học (2020 - 2021), Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn chủ đề năm học “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh”, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên thông qua giáo dục chính khóa, các hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức phong phú. Tăng cường công tác nắm bắt, chủ động phát hiện, phối hợp xử lý các vấn đề về chính trị, tư tưởng của thanh niên liên quan đến an ninh chính trị xảy ra trong ngành Giáo dục.Từ năm 2006 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hoạt động “Liên hoan văn hóa học đường” với quy mô toàn ngành ở 3 cấp. Chủ đề tập trung vào xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức lối sống, tuyên truyền giáo dục pháp luật với các phần thi: Hát, múa, trình tấu nhạc cụ... tiểu phẩm truyền thông, thuyết minh một chủ đề lựa chọn, trình chiếu clip...liên hoan văn hóa học đường các cấp đã tạo môi trường thân thiện, lành mạnh, nâng cao hiểu biết về xã hội, pháp luật, hình thành thói quen và hành vi ứng xử văn minh, lịch sự, góp phần xây dựng các chuẩn mực văn hóa xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa trong nhà trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành; chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo quy định. Chỉ đạo đổi mới các hình thức sinh hoạt đoàn, đội; tăng cường liên hệ với thực tiễn; đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cán bộ làm công tác đoàn, đội được tăng cường, nhằm phát huy hiệu quả trong tổ chức thực hiện công tác xây dựng văn hóa trong trường học đối với các nhà trường. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, triển khai thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử” trong trường học đảm bảo thiết thực, phù hợp, hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh; hoạt động các Câu lạc bộ trong trường học; xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội” trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh. Lệ Thu