Từ trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển. Những giá trị tốt đẹp như: Yêu quê hương, đất nước, đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo, bất khuất, kiên cường, vượt qua khó khăn thử thách...đã được các gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp, góp phần tạo nên nét đặc trưng người Việt và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau hiện nay công tác gia đình đang đối mặt với một số thách thức như: Tình trạng bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai gia tăng...Một số giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp, thuần phong, mỹ tục đang đứng trước nhiều thách thức. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm…đang tác động tiêu cực đến các gia đình.
Từ thực trạng đó, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là việc làm cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.
Theo tinh thần đó, tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, có 70 % hộ gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 80 % hộ gia đình được cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối ống trong gia đình. Đến năm 2030 có trên 90 % hộ gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 100 % hộ gia đình được cung cấp liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Để các chỉ tiêu trên thành hiện thực, thiết nghĩ cần phải: Trước hết, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Nhiệm vụ đầu tiên là đẩy mạnh việc phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình; các chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa. Thứ hai, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về gia đình. Cùng với việc hoàn thiện văn bản pháp lý về quản lý công tác gia đình, việc bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác này rất quan trọng. Mặt khác, cần có sự vào cuộc của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thông qua ký kết các chương trình phối hợp liên ngành. Thứ ba, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng, cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, như: Đối với gia đình, hãy xem việc chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống là chăm lo cho phát triển bền vững; hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Coi việc giáo dục gia đình là nền tảng. Ông, bà, cha mẹ người lớn tuổi phải là tấm gương sáng, mẫu mực về hành vi, lời nói chuẩn mực trong ứng xử. Nhà trường cần xây dựng môi trường văn hóa học đường, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ năng sống cho các em. Và cuối cùng là cần đầu tư nguồn lực nhất là cùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, phải khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Để kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình" . Để xã hội tốt, thiết nghĩ trong nhiều việc phải làm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nhiệm vụ cần được ưu tiên. Trí Ánh