Ngày 30/9, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, cho biết Sở đã có phương án tạm thời ngăn đàn voọc thường xuyên tràn ra đường tấn công người dân ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa.
Theo đó, Sở NN&PTNT giao Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá khảo sát khu vực 700 m voọc hay xuống đường để rào lưới dây cước. "Dự kiến, lưới được rào cao 8-10 m, hai bên đường ở những khu vực voọc hay xuất hiện", bà Phương nói.
Việc rào lưới dây cước để ngăn đàn voọc sẽ được thực hiện trong tuần sau. Dàn lưới cao hai bên đường sẽ hạn chế đàn voọc xông ra tấn công người đi đường.
|
Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc gáy trắng. Ảnh: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
|
Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị cũng liên hệ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) để nhờ hỗ trợ phương án bắn thuốc mê bắt đàn voọc nếu cần. Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có phương tiện nhưng đang chờ xin giấy phép.
Tình trạng voọc tấn công người xảy ra ở đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu kéo dài khoảng 600 m thuộc địa phận xã Hướng Lập.
Chính quyền địa phương ghi nhận đến tháng 7/2020, đã có 9 người bị voọc tấn công, trong đó có 1 phụ nữ mang thai 8 tháng. Vụ mới nhất hôm 20/9, một phụ nữ ở thị trấn Khe Sanh khi chạy xe máy ngang qua đoạn đường trên thì bị voọc nhảy ra tấn công khiến nạn nhân trầy xước chân tay.
Lực lượng kiểm lâm ở Hướng Lập cho biết đàn voọc thường nấp trong bụi cây, chờ người đi đến thì bất ngờ nhảy ra khiến người dân bị ngã xe rồi xông vào cắn.
Hôm 23/9, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã mở cuộc họp cùng với các lực lượng liên quan để bàn phương án ngăn đàn voọc. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh này đề xuất phương án dùng chó nghiệp vụ đi kèm huấn luyện viên để xua đuổi đàn voọc nhưng bị Bộ Tư lệnh BĐBP từ chối.
Voọc Hà Tĩnh (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis), voọc gáy trắng, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, thuộc nhóm 1B, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) thường sinh sống tập trung ở vùng núi đá tỉnh Quảng Bình.
Mỗi đàn voọc Hà Tĩnh có từ 2 đến 15 cá thể, có đàn lên đến 30 cá thể. Loài này xuất hiện ở khu vực thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) từ năm 2012.
Văn Được