Gian nan đường đến Ba Lin 

Biên phòng - Con đường có từ bao giờ mà lại xuống cấp khủng khiếp đến như vậy? Câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn mãi trong tôi mỗi khi đi trên cung đường từ A Vao đến Ba Lin để lên với những người chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin, BĐBP Quảng Trị và bà con người dân tộc Pa Kô ở xã biên giới A Vao, huyện Đakrông. Rất khó để hình dung và cũng rất khó tìm ra ngôn từ để miêu tả sự gian nan đối với bất kỳ ai mỗi khi có công việc phải đi qua con đường này.
u6gq_5a

Nền đường bị hư hỏng quá nặng nên anh Lê Xuân Thảo rất chật vật mới điều khiển được chiếc xe tải vận chuyển nông sản của bà con ra thị tứ Tà Rụt để bán. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Chúng tôi xuất phát từ Trạm Kiểm soát Biên phòng A Vao vào lúc 8 giờ sáng, vì tối hôm trước, trời biên giới bỗng dưng tưng tửng đổ xuống cơn mưa trái mùa nên phải đợi nắng lên mới dám “vượt ải” để lên với đơn vị. Chiếc xe máy do Thượng úy Nguyễn Văn Nhân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Lin điều khiển, đang đưa chúng tôi vượt dốc thì bỗng dưng một tiếng “pành” khô khốc phát ra, chiếc lốp trước lên cơn “nhồi máu cơ tim” sau một cú xóc khá mạnh do viên đá ẩn kỹ dưới lớp bùn nhão nhoét.

Vậy là tôi phải chuyển sang chiếc xe khác, còn Thượng úy Nhân ở lại tìm cách “cấp cứu” cho cái lốp bị hết hơi xẹp lép. Sau gần 2 giờ đồng hồ lặn lội, cuối cùng tôi cũng đến nơi mình cần đến, song trong tôi vẫn bị ám ảnh về cung đường mà tôi mới vừa trải qua.

Tôi chẳng biết nói như thế nào về cung đường này, bởi người lính Biên phòng và bà con các dân tộc thiểu số nơi đây hằng ngày vẫn phải đi qua những cung đường gian khổ như thế. Dọc đường từ Trạm Kiểm soát Biên phòng A Vao vào đồn, tôi gặp khá nhiều nhóm các cháu nhỏ đạp xe đến trường, mặc dù mới đi cách nhà chưa đầy 2km, nhưng nhiều em, áo quần đã bị lấm lem bùn đất.

Tôi hỏi một bé gái thì được biết, em tên là Hồ Thị Thu Hằng, năm nay 11 tuổi, đang học lớp 6, Trường Trung học cơ sở xã A Vao. Hằng kể: “Nhà em ở bản Tân Đi 3, cách trường hơn 7 cây số, hằng ngày em và các bạn đến trường học rồi trở về nhà chẳng có hôm nào mà áo quần không bị dính bùn đất. Bố, mẹ em phải mua thêm áo quần đồng phục nhưng vẫn không đủ. Mùa nắng, em đến trường bằng xe đạp, còn mùa mưa, em cùng các bạn phải đi bộ bởi đường nhiều hố sâu ngập nước không biết chỗ mô để tránh”.

Gặp tôi tại Đồn Biên phòng Ba Lin, Trưởng bản Kỳ Nơi khẩn khoản nói: “Nhà báo về xuôi nói với lãnh đạo sửa lại con đường cho dân bản mình với bởi 129 hộ/665 nhân khẩu của các bản Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau cực khổ quá vì con đường lên bản bị hư hỏng hết rồi”. Nói đoạn, ông chỉ tay ra phía sườn đồi rồi tiếp tục với sự lo âu: “Nhà báo thấy đó, cây sắn đã đến mùa thu hoạch, năm ni trời mưa nhiều, xe vô không được nên bà con đành để vậy chờ khi mô có xe vô mới bán được. Chưa kể lúc có người ốm nặng cần phải đưa đến bệnh viện càng vất vả hơn, nếu vào ban đêm thì nguy hiểm lắm”. 

Người dân ở 3 bản kể cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin mỗi khi trời đổ mưa, nếu có công việc gấp cần “hạ sơn” chỉ trông chờ duy nhất vào chiếc xe tải của anh Lê Xuân Thảo để cơ động. Gặp anh đang trên đường vận chuyển sắn của bà con ra nhập cho nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, anh tâm sự: “Quê tôi ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, lên đây lập nghiệp từ năm 2009. Cố gắng tằn tiện, năm 2015, tôi mua chiếc xe này để thu mua các mặt hàng nông sản cho bà con. Tuy nhiên, mấy năm nay, con đường này xuống cấp quá trầm trọng nên xe bị hư hỏng liên miên. Tải trọng xe tôi là 6 tấn, nhưng chẳng có khi nào dám chở đúng vì đường quá xấu”

Con đường này được khởi công từ ngày 8-2-2006 theo Quyết định số 2530/QĐ-BQP ngày 17-10-2005 của Bộ Quốc phòng, là dự án công trình đường giao thông biên giới A Vao - Ba Lin với số vốn 17,441 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Con đường có chiều dài 13,102km theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A tại thời điểm năm 2005 do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Hương Giang thuộc Quân đoàn 2 thi công...

Sau đúng một năm thi công, con đường đã được thông tuyến và đưa vào sử dụng. Tôi còn nhớ, trong số rất đông người dân của xã A Vao tham dự lễ khánh thành và đưa vào sử dụng con đường, ông Hồ Văn Lập ở bản Tân Đi 2 đã nói: “Rứa là mơ ước bao đời nay của nhân dân  bản mình cũng như các bản Ba Lin, A Sau, Kỳ Nơi đã thành hiện thực. Có đường, lũ trẻ con đi học sẽ sướng hơn và người dân sẽ mua cái xe máy để đi cho cái chân không còn mỏi vì trèo dốc, lội suối. Đây là con đường vui nơi biên giới”.

Tuy nhiên, con đường vui ấy sau hơn 10 năm sử dụng không được duy tu, bảo dưỡng, đến cả những cột số chỉ khoảng cách và địa điểm cần đến hoặc đã đi qua giờ cũng chỉ còn là một trụ xi măng đen sì, rêu mốc. Nền đường qua nhiều trận mưa rừng, lũ quét đã không còn nguyên vẹn, vì vậy, giờ đây mỗi khi đi trên con đường này, người dân lại gọi tên mới là “Con đường khổ ải”.

Nguyễn Thành Phú

595 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 383
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 383
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78094175