Giãn cách xã hội toàn bộ tỉnh Đồng Nai theo Chỉ thị 16 

(Chinhphu.v) - Bắt đầu từ 0 giờ, ngày 9/7, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 8/7, đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai chủ trì cuộc họp thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, tổng số ca dương tính với COVID-19 trong toàn tỉnh đến chiều ngày 8/7 là 160 ca. Trong đó, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay là 128 ca, bao gồm 93 ca liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM.

Nếu không có những biện pháp cấp bách thì chỉ 10 ngày nữa, tỉnh Đồng Nai sẽ quá tải, sẽ có những ổ dịch nhỏ trong cộng đồng ở TP. Biên Hòa, H. Nhơn Trạch. Hiện nay, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã đầy bệnh nhân, tỉnh đang triển khai bệnh viện dã chiến ở Trung tâm y tế H. Thống Nhất, Trung tâm y tế H. Tân Phú. Dự báo, nếu số ca bệnh vượt quá 1 ngàn ca, ngành Y tế Đồng Nai sẽ quá tải.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang có tính chất rất phức tạp, cấp thiết. TP.HCM từ 0 giờ, ngày 9/7 đã bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16. Do đó, tỉnh Đồng Nai cũng cần triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn kết luận, bắt đầu từ 0 giờ, ngày 9/7, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý các ngành chức năng cần quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Vì qua thực tế hiện nay, các chốt kiểm soát dịch bệnh thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để, không đủ điều kiện, nhân lực để làm nhiệm vụ, còn để sót, lọt nhiều người từ TP.HCM, Bình Dương vào Đồng Nai. Đây là nguy cơ lây nhiễm lớn. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp để kiểm soát triệt để tình hình ở các chốt kiểm soát dịch bệnh, có chế độ bồi dưỡng xứng đáng, hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.

Theo đó, Chỉ thị 16 áp dụng nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn ấp cách ly với thôn ấp, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Một số nội dung đáng lưu ý gồm: Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Các cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu, hàng hóa, khám chữa bệnh (trừ hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ), tang lễ được tiếp tục hoạt động. Các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa trong và ngoài khu công nghiệp tiếp tục được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch: Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp xã, cảnh sát khu vực, công an xã, thanh niên xung kích, tổ dân phố, thôn ấp, tổ COVID-19 cộng đồng và các lực lượng khác tăng cường việc giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, người về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương và các vùng dịch khác. Đảm bảo tuân thủ đúng các quy định cách ly.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố khẩn trương mở rộng các khu cách ly hiện có, thiết lập thêm các khu cách ly mới để nâng cao số giường cách ly tập trung toàn tỉnh; thiết lập bệnh viện dã chiến, mở rộng các khoa điều trị COVID-19 tại các cơ sở điều trị để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Sở Y tế chỉ đạo phân luồng, phân tuyến khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, có phương án chăm sóc, bảo vệ an toàn cho lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện điều trị người mắc COVID-19. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng. Tăng cường đầu tư tăng công suất xét nghiệm, thực hiện chiến lược xét nghiệm sớm để phát hiện sớm, cách ly nhanh, tránh lây lan.

Công an tỉnh chủ trì, chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh thực hiện nghiêm việc kiểm soát người về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế, Sở TTTT, UBND huyện, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế.

Sở TTTT, các cơ quan báo đài tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ về diễn biến dịch bệnh, tập trung thông tin để người dân không tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương người về từ vùng dịch, các trường hợp nghi mắc bệnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời quan tâm chăm lo cho các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm biện pháp 5K, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe, hạn chế đến các cơ sở khám, chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền./.

471 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 846
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 846
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87129624