Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh:M.P)

Tại buổi họp báo, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết: Theo quy định của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan “Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sử dụng để xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu”, vì vậy, để thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN và quy định của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngoài việc ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng phải trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Trong giai đoạn 2018 - 2025, phần lớn các Hiệp định thương mại sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ xóa bỏ thuế quan (giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0%) như Hiệp định ATIGA sẽ có 98,26% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ có 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) sẽ có 86% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Úc và Niu Di lân (AANZFTA) xóa bỏ thuế quan đối với 86% dòng thuế vào năm 2018 (đạt 92% số dòng thuế về 0% vào năm 2022); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) sẽ có 71%  số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (và 9% số dòng thuế vào 2021); Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) sẽ có 41,78% số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (có 90,64% số dòng thuế về 0% vào năm cuối lộ trình là năm 2026) và Asean – Nhật Bản (AJFTA) sẽ có 62,2% số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (tăng lên 88,6% số dòng thuế về 0% vào năm 2025). 

Theo đó, nhiều nhóm mặt hàng có cam kết lộ trình giảm thuế nhanh và thấp hơn nhiều so với mức cam kết WTO cũng như mức thuế MFN hiện hành và việc thực hiện thuế suất FTAs theo lộ trình tại các Hiệp định FTAs đã dẫn đến sự chuyển hướng thương mại nhất định, làm giảm ý nghĩa và mục tiêu bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước của thuế suất MFN đồng thời dẫn đến thực tế là thuế suất nhập khẩu MFN của linh kiện, phụ tùng của nhiều mặt hàng cao hơn thuế suất FTA của sản phẩm nguyên chiếc. Vì vậy, cũng đã có ý kiến đề nghị phải giảm mức thuế suất MFN nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thuế suất FTAs của thành phẩm với thuế suất MFN của nguyên liệu hoặc tăng mức thuế suất MFN đối với thành phẩm để bảo hộ sản xuất trong nước. 

Về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 122, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65 với hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, thay thế Thông tư số 103/2015/TT-BTC.

Mục tiêu của việc sửa đổi Nghị định số 122 là để thực hiện thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN cũng như giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN phát sinh trong thời gian qua và tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết từ năm 2018 trở đi. Đặc biệt là tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% ngay từ 1/1/2018.

Đáng chú ý dự thảo Nghị định này là thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô. Theo bà Hằng, mục tiêu điều chỉnh nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần hạn chế nhập siêu ô tô. Đối với doanh nghiệp phụ trợ sẽ giúp tăng nhu cầu đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu. Đối với người tiêu dùng sẽ góp phần tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao. 

Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô trong 5 năm từ năm 2018 tới năm 2022 để lắp ráp cho 2 nhóm xe. Một là nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018 - 2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi. Hai là nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018 - 2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.
 
Về mức giảm thuế cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Một là, giảm thuế nhập khẩu của 163 dòng thuế linh kiện ôtô nhập khẩu để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên về 0%. Hai là, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên từ mức 3-50% hiện tại về 0%.
 
Với hai phương án trên, bà Hằng cho rằng, quy định này có thể khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô giảm giá bán, nâng cao sự cạnh tranh so với xe ôtô nhập khẩu. Bà cho rằng, chương trình 5 năm này sẽ có tính chất quyết định cho sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô. Chương trình tương tự theo vị đại diện Bộ Tài chính cũng được các nước như Indonesia, Malaysia thực hiện và đã rất thành công.

Đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết thêm, phía Bộ Tài chính hiện đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, hiệp hội về đề xuất này, trong đó nhấn mạnh nên giảm thuế nhập khẩu linh kiện thêm cho các dòng xe có dung tích xilanh trên 2.000cc chứ không chỉ các dòng xe dưới 2.000cc như trong dự thảo, vì các dòng xe có dung tích xilanh dưới 2.000cc là dòng chủ lực của các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan. Bởi thế, nếu Việt Nam cũng chỉ tập trung ưu đãi thuế cho các dòng xe này thì khó cạnh tranh. Phía doanh nghiệp cũng nêu quan điểm, nếu khuyến khích thêm với dòng xe có dung tích xilanh 2.500cc, Việt Nam có thể xuất ngược lại xe vào các nước ASEAN./.

Minh Phương