Đồng bào dân tộc Mông xã Bát Đại Sơn, Quản Bạ, Hà Giang nghe tuyên truyền, vận động ký cam kết không tảo hôn,
hôn nhân cận huyết thống.

Chị Lý Mùi Dất, dân tộc Dao ở thôn Khinh Hạ, xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, Cao Bằng sinh năm 1993. Năm 2009, bố bắt lấy chồng nên Dất phải nghe theo. Chồng Dất cũng là người Dao, sinh năm 1991, ở cùng thôn. Cả hai cùng học một trường. Khi lấy nhau, Dất 16 tuổi, còn chồng 18 tuổi. 4 năm sống chung một mái nhà nhưng cặp vợ chồng “trẻ con” không nói chuyện, không ngủ cùng. Đến tận 4 năm sau, khi có con, đôi vợ chồng mới nói chuyện bình thường.

Dất bùi ngùi kể, lấy nhau khi còn nhỏ, phải bỏ học giữa chừng và không có vốn nên vợ chồng chỉ ở nhà làm ruộng, trồng ngô. Cuộc sống khá khó khăn do thiếu kiến thức làm ăn và thiếu tiền để chăm sóc con nhỏ. Ít năm nay, khi được hướng dẫn trồng cây thuốc lá thì gia đình Dất mới có thêm thu nhập 20 triệu đồng/năm. Đôi vợ chồng trẻ vừa làm được ngôi nhà nhỏ nhưng nợ chồng chất chưa biết khi nào mới trả xong cho họ hàng, người thân.

Đáng nói là ở trong nhà, không chỉ có Dất mà còn có cả người anh trai cũng tảo hôn. Do chưa biết làm ăn và còn trẻ con nên cặp vợ chồng này sớm ly hôn sau thời gian ngắn chung sống.

Câu chuyện của anh em nhà Dất tương đối phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2015, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26,6% (nam 26%, nữ 27,1%). Tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc về các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn như: Mông 59,7%, Xinh Mun 56,3%, La Ha 52,7%, Raglay 38,3%... 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 20%, trong đó có 13 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 40 – 50% trở lên, 6 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn từ 50 – 60%.

Trong nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18 thì tỷ lệ tảo hôn ở nữ dân tộc thiểu số cao gấp hơn 3 lần so với nam giới. Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Chị Thào Thị Giàng, cán bộ Chi hội phụ nữ thôn Sà Phìn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang cho biết: Năm nào ở thôn cũng có vài cặp tảo hôn. Để khắc phục tình trạng này, thôn ra nghị quyết phạt 500.000đồng/trường hợp. Tuy nhiên phần vì mức phạt quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, phần vì các gia đình cũng tìm đủ mọi cách để “lách”. Chẳng hạn như nếu cặp vợ chồng tảo hôn mà chưa có con thì còn có thể vận động trở về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Nhưng nếu đã có con thì rất khó để vận động. Hoặc các gia đình tổ chức cho con cưới chui, không đăng ký kết hôn tại UBND xã. Chỉ đến khi cặp vợ chồng tảo hôn có con thì mới đi làm đăng ký khai sinh, đặt xã vào tình thế phải hợp thức hóa.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, một số địa phương đã có những giải pháp rất quyết liệt. Đơn cử như tỉnh Lào Cai, theo bà Nguyễn Thị Kim Hồng – Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Ban đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Trên cơ sở Chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Dân tộc ký cam kết với các địa phương không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và coi đây là một tiêu chí xét thi đua. Huyện Si Ma Cai tổ chức hội nghị với các ông mai, bà mối ký cam kết không làm mai mối cho các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; huyện Bảo Yên tổ chức hội nghị với các thầy mo, thầy cúng cam kết không làm lễ cho các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hay tại xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, xã yêu cầu cán bộ, đảng viên không tham dự các đám cưới tảo hôn. Nếu ai dự hoặc gửi quà mừng thì sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Xã xúc tiến xây dựng các thôn điểm, phát động phong trào thi đua giữa các thôn và có hình thức khen thưởng phù hợp với những thôn thực hiện tốt công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hay tại xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, xã yêu cầu cán bộ, đảng viên không tham dự các đám cưới tảo hôn. Nếu ai dự hoặc gửi quà mừng thì sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Xã xúc tiến xây dựng các thôn điểm, phát động phong trào thi đua giữa các thôn và có hình thức khen thưởng phù hợp với những thôn thực hiện tốt công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ở cấp độ quốc gia, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã xây dựng được 50 mô hình điểm tại các xã thuộc 22 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Các mô hình điểm tại các xã đã tổ chức trên 50 hội nghị đánh giá thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; tổ chức gần 100 khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận, Bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, người có uy tín của bản; tổ chức ký cam kết không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cho người dân sinh sống trên địa bàn; tổ chức hàng trăm buổi tư vấn, tuyên truyền cho đồng bào; xây dựng và lắp đặt hàng trăm pa nô, áp phích và phát hàng nghìn tờ rơi cho đồng bào để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo báo cáo của các địa phương có xã thực hiện mô hình điểm, trước khi thực hiện mô hình, tình trạng tảo hôn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên từ sau khi triển khai mô hình điểm, số vụ tảo hôn giảm đáng kể, thậm chí năm 2018, trên địa bàn một số xã hầu như không xảy ra tình trạng tảo hôn.

Vấn đề hiện nay là số xã vùng dân tộc thiểu số có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn nhiều trong khi điều kiện kinh phí khó khăn nên rất khó để xây dựng tại mỗi xã một mô hình điểm can thiệp. Bởi vậy, theo nhiều lãnh đạo địa phương, công tác tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cần được quan tâm đưa ngay vào trường học, nhất là ở cấp trung học cơ sở, dành cho học sinh lớp 8, lớp 9 - đối tượng dễ bỏ học để tảo hôn nhất. Khi các em được giác ngộ về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các em sẽ trở thành tuyên truyền viên giúp ông, bà, bố mẹ và người thân trong gia đình, dòng họ nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Trở lại với Lý Thị Dất. Bạn trẻ đó nay đã là chi hội trưởng chi hội nông dân. Nếm trải những khó khăn, vất vả do tảo hôn gây ra, Dất khẳng định sẽ không bao giờ cho con mình tảo hôn nữa. Quyết tâm của Dất chắc chắn sẽ có cơ hội lan tỏa trong cộng đồng vì bạn trẻ đó còn đồng thời là Phó Ban tuyên truyền, vận động của thôn về việc chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chuyển đổi nhận thức của người dân qua câu chuyện của Dất là một minh chứng cho kết quả của những nỗ lực chống tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta. Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành vi. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì những vấn đề dân tộc thiểu số và bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số càng cần được quan tâm đặc biệt. Xóa bỏ tình trạng tảo hôn cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ và trẻ em gái ở các khía cạnh: công tác tuyên truyền, tiếp cận y tế, giáo dục đào tạo, tư vấn sức khỏe sinh sản, tình dục… Muốn vậy, cần có cơ chế điều phối giữa các Bộ: Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tài chính… và cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước với tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế. Tăng cường thực thi pháp luật để ngăn ngừa tảo hôn, tăng chế tài xử phạt tảo hôn, tránh tuyệt đối việc “phạt cho tồn tại” để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; lồng ghép các quy định về độ tuổi và các điều kiện kết hôn hợp pháp vào thể chế văn hóa, hương ước và các tiêu chuẩn đánh giá danh hiệu gia đình văn hóa../.

Bài, ảnh: Phương Liên