Ban Chỉ đạo Trung ương Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động họp báo thông tin về các hoạt động của Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động - Ảnh: VGP/Thu Cúc
Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2022, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5-31/5) sẽ được chính thức phát động vào ngày 28/4 cùng với Tháng công nhân. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc 28/4.
Tại buổi họp báo do Ban Chỉ đạo Trung ương Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tổ chức ngày 6/4 tại Hà Nội, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cho biết, chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Dự kiến, lễ phát động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/4.
Trong tháng hành động, trên khắp cả nước sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chú trọng thông tin, tư vấn, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp...
Đặc biệt, các sở, ban, ngành sẽ phối hợp để tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động trong các ngành, nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Xây dựng, điện, khai khoáng, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế… và việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo ông Hà Tất Thắng, trong bối cảnh việc khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đẩy mạnh, thì những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng sẽ gia tăng. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động.
Vì vậy, người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Còn đối với người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình.
Ông Hà Tất Thắng cho biết, các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động sẽ tiếp tục được rà soát, cải thiện, đặc biệt để tăng tỉ lệ số người được giám định bệnh nghề nghiệp.
Tháng công nhân cũng sẽ được phát động cùng với Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động vào ngày 28/4 với chủ đề "Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng".
Một trong những điểm nhấn nổi bật của tháng công nhân năm nay là việc tổ chức chương trình "Đối thoại tháng 5" với các hoạt động được tổ chức với đa dạng các hình thức như: Gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động; hoạt động "Cảm ơn người lao động"; diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân".
Việc tăng cường, đẩy mạnh đối thoại sẽ tạo cơ hội để người sử dụng lao động và người lao động lắng nghe, chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó, phục hồi phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thu Cúc