Giảm thất thoát công sản: 3 nhiệm vụ cấp bách 

(Chinhphu.vn) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 được kỳ vọng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công. Bộ Tài chính cho rằng, để thực hiện tốt thì mình cơ quan này khó thực hiện được.

Để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đi vào thực tế cuộc sống, còn nhiều việc phải làm nhưng cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay là ba nhiệm vụ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, cụ thể như sau.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành

 

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định, 3 Quyết định quy định chi tiết, chế độ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục mua sắm, thuê, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; sắp xếp lại, xử lý tài sản công... Bộ Tài chính cũng cho biết đã ban hành 3 Thông tư để hướng dẫn thực hiện.

 

Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần rà soát lại các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của mình để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp theo hướng chỉ ban hành những văn bản thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết của cấp trên; không quy định các nội dung đã được quy định ở các văn bản cấp cao hơn để tránh tình trạng cấp dưới phải chờ có hướng dẫn mới thực hiện.

 

Thứ hai, kịp thời phân cấp quản lý tài sản công

 

Thời gian qua, đã có một số vụ thất thoát trong quản lý tài sản công và đất công, nhất là ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội gây bức xúc dư luận. Những nguyên nhân xảy ra thất thoát do việc chuyển nhượng trái phép, bán chỉ định, không có đấu thầu công bằng.

 

Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một trong những điểm được nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đó là việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc thất thoát đã  bị phát hiện và xử lý trách nhiệm hình sự.  Cơ quan này đề nghị báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí.

 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, tài sản công có phạm vi rất rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng, được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng.  Theo quy định hiện hành, Chính phủ phân định tài sản do Chính phủ quản lý và tài sản do UBND cấp tỉnh quản lý; đồng thời, giao thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến tài sản nhà nước cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó thực hiện đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi hình thức sở hữu, bán, thanh lý tài sản nhà nước; quản lý các nguồn tài chính phát sinh trong quá trình quản lý, xử lý tài sản nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, bên cạnh việc kế thừa việc phân định tài sản do trung ương quản lý, tài sản do địa phương quản lý và nguyên tắc phân định thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước, Luật giao cho HĐND cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền trong quản lý đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Thực tế triển khai thực hiện, việc phân cấp nêu trên là phù hợp, bảo đảm quyền chủ động cho các đơn vị được phân cấp trong việc quyết định các vấn đề liên quan tới tài sản; việc mua sắm, xử lý tài sản được kịp thời.

 

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành tiếp tục nhất quán quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công; đồng thời mở rộng phạm vi tài sản giao cho các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND cấp tỉnh phân cấp (tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...). Việc ban hành quy định về phân cấp là tiền đề quan trọng nhất để triển khai công tác quản lý tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương.

 

Bộ Tài chính khẳng định, nếu chưa ban hành quy định phân cấp mới thì từ ngày 1/1/2018, công việc sẽ dồn toàn bộ lên Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh hoặc các cấp, các đơn vị sẽ quyết định các vấn đề về tài sản không đúng thẩm quyền, rất khó khắc phục, dễ gây thất thoát, lãng phí.

 

Xác định tầm quan trọng của việc phân cấp tài sản, ngay từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai việc xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, mới có Bộ trưởng Bộ Tài chính, HĐND tỉnh Sơn La ban hành quy định thay thế cho quy định về phân cấp trước đây. Vì vậy, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh còn lại cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 31/7/2018 đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

 

Thứ ba, không thể trì hoãn ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng

 

Tiêu chuẩn, định mức là công cụ quan trọng trong quản lý tài sản công. Đây là cơ sở để thực hiện việc lập kế hoạch, dự toán và tổ chức thực hiện đầu tư, mua sắm, thuê, sửa chữa, nâng cấp, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 giao Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trụ sở làm việc, xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với máy móc thiết bị; các bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Trên cơ sở quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ chuyên ngành, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh sẽ phải cụ thể hóa định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thông qua việc ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành.

 

Như vậy, hầu như hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công sẽ có sự thay đổi so với các quy định trước đây. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị.

Tuy nhiên, tiến độ quy định chi tiết hướng dẫn của bộ quản lý chuyên ngành, cũng như việc cụ thể hóa định mức diện tích công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm.

Qua nắm tình hình của các bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có Bộ Tài chính và một số địa phương thực hiện phân cấp và ban hành định mức sử dụng tài sản chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Riêng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức diện tích công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Việc chậm ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng sẽ tác động mạnh tới công tác quản lý tài sản ở các đơn vị do không thực hiện được việc đầu tư, mua sắm, thuê, giao, điều chuyển, bán đối với tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản thường xuyên hoặc phải giải quyết các vấn đề đột xuất, cấp bách.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các bộ, ngành có liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thành nội dung này.

Anh Minh
320 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 691
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 691
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78071413