Ngày 1/6, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo Chia sẻ các sáng kiến vì cộng đồng – Nhân rộng và kết nối. Đây là dịp để tuyên truyền, khuyến khích, nhân rộng và gia tăng sự kết nối để những sáng kiến vì cộng đồng có tính ứng dụng cao sẽ được triển khai hiệu quả hơn trong đời sống và sản xuất.

Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: A.N) 

“Sáng kiến vì cộng đồng” là chương trình thường kỳ tổ chức hai năm một lần với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, dự án sáng tạo, nhằm góp phần thúc đẩy và phát huy vai trò, đóng góp của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Sau 9 tháng kể từ khi phát động cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 2 (từ 25/5/2017 – 28/2/2018), Ban tổ chức đã nhận được gần 400 sáng kiến của các tác giả và nhóm tác giả, bao gồm các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động thiết thực vì cộng đồng. Những sáng kiến ấy đã, đang hoặc sẽ được triển khai tại các địa phương trong cả nước.

Theo Ban Tổ chức, các sáng kiến năm nay tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực môi trường, giáo dục, văn hóa – xã hội; tiếp đến là các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, kinh tế, y tế, du lịch…Trong đó, các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các vùng khó khăn và các sáng kiến trong lĩnh vực môi trường chiếm tỷ lệ cao. Ban tổ chức đã chọn các sáng kiến tiêu biểu nhất để trao giải, như: Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm, Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao, Đèn học tiết kiệm đa năng, Ứng dụng truyền tải thông tin ngập tại Tp. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về sáng kiến của đơn vị mình “giải pháp cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm”, ông Đặng Nguyên Phương, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam cho hay, ứng dụng này được triển khai trên 161 hộ nuôi tôm thí điểm tại Sóc Trăng. Các hộ nuôi đã tiết kiệm được hơn 1.450.000 kWh/năm, tương đương gần 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, để đầu tư 01 MW điện cần đến hơn 20 tỷ đồng. Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực miền Nam, với hơn 238 MW công suất đỉnh cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư sẽ khoảng 4.760 tỷ đồng. Do đó, bằng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm sẽ giúp ngành điện tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như rút ngắn thời gian đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ trong nuôi tôm.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, sử dụng điện và năng lượng nói chung ở Việt Nam ngày càng tăng cao, và mức độ tăng cũng cao hơn so với nhiều nước. Các sáng kiến được đưa ra liên quan đến giảm lượng điện tiêu thụ, giảm sử dụng năng lượng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Với các sáng kiến được đánh giá cao như cải tạo dàn quạt nuôi tôm, đèn học tiết kiệm điện… đưa vào ứng dụng là rất thiết thực. Tuy nhiên, thời gian tới, cần tuyên truyền để sáng kiến đó được lan tỏa rộng hơn, triển khai rộng rãi hơn ở các tỉnh, thành phố, đem lại hiệu quả lớn hơn.

 

 

An Nguyên