Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời tại phiên chất vấn sáng 30/10. (Ảnh: BL)
Sáng 30/10, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo cách thức hoàn toàn mới. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) chất vất: Hiện tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất công nghiệp tái chế vẫn chưa được kiểm soát, xử lý vi phạm chưa nghiêm… đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân không đạt được, các mục tiêu và các giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề ô nhiễm làng nghề và ô nhiễm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang là vấn đề bức xúc từ kỳ họp thứ 3 cũng như ý kiến đại biểu đã chất vấn.
Bộ trưởng cho biết, trong thực tế hiện nay, chúng ta đã xây dựng, nhận dạng được các loại hình làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Đối với khu công nghiệp chúng ta đã đặt ra yêu cầu về lộ trình để xử lý nước thải tập trung, đã có trên 80% khu công nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động.
“Nói như vậy, ở khu công nghiệp có bước tiến đáng kể, riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải. Trên thực tế, các cụm công nghiệp là khu vực do địa phương quyết định đầu tư nên nguồn nhân lực và việc đầu tư ở đây hết sức hạn chế” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Về giải pháp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định, trong đó quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung về kiểm soát đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.
Theo Bộ trưởng, hiện nay các cụm công nghiệp có rất nhiều ngành sản xuất và công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các ngành công nghệ tái chế như đại biểu đã nêu. Trên thực tế, khi kiểm tra các cơ sở này đều không đáp ứng được năng lực, các công nghệ lạc hậu chưa có được các trang thiết bị và đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tích cực tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, đồng thời cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đánh giá lại chỉ tiêu về việc đáp ứng các yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như các cụm công nghiệp. “Đối với các khu công nghiệp hiện nay, chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và đã đưa vào dữ liệu. Chúng ta sẽ giám sát thường xuyên để đến cuối nhiệm kỳ, chúng ta đảm bảo rằng bất cứ khu công nghiệp cũ hoặc mới nào đều phải đáp ứng và tuân thủ các quy định môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hoá) đặt vấn đề: Trong trả lời chất vấn của đại biểu thì Bộ trưởng có nêu, ô nhiễm làng nghề hiện nay có đến 80% làng nghề đã xây dựng cơ sở xử lý nước thải công nghiệp. Nhưng theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và có 20,9% số làng nghề là có thu gom chất thải rắn công nghiệp. Đây đang là một vấn đề lớn trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn nhất là các làng nghề truyền thống.
Từ số liệu thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nên kiểm tra lại vấn đề trong xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ở nông thôn.
Trả lời đại biểu Mai Sỹ Diến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay, khu công nghiệp có trên 80% là đã đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung, còn làng nghề thì hiện có trên 5.000 làng nghề. “Trong đó đã phân loại ra khoảng 160 làng nghề. Có 90 làng nghề là loại ô nhiễm nghiêm trọng, 60 làng nghề ở mức độ cần phải kiểm soát, còn lại các làng nghề truyền thống thì chúng ta cũng có các phương án để xử lý”, Bộ trưởng cho biết.
Trả lời đại biểu Trần Tất Thế (tỉnh Hà Nam) về vấn đề sông Nhuệ, sông Đáy vẫn đang bị ô nhiễm nặng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông liên tỉnh phải xử lý tại nguồn, địa phương gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Hà Nội là nguồn thải chưa xử lý được nước sinh hoạt.
Theo Bộ trưởng, Hà Nội có phương án xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy nhưng cơ chế phối hợp với các địa phương khác có 2 con sông này chảy qua không hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.
Về công nghệ xử lý, Bộ trưởng cho rằng, không khó khi Hà Nội đã có công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu công nghiệp, làng nghề và có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hợp tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, quy trình lựa chọn đối tác công-tư cũng bảo đảm các quy trình như sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư, nên làm chậm đi việc xã hội hóa xử lý môi trường./.
Bích Liên