Đoàn giám sát thực hiện đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh: VGP/LS
Trình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 1141/NQ-UBTVQH15 ngày 15/8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, ngày 15/8/2024, Đoàn giám sát đã họp Phiên thứ nhất để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo giám sát, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn Giám sát.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cơ quan được giao chủ trì tham mưu giúp Đoàn Giám sát về nội dung, đã xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng văn bản về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương giám sát; tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; kết luận của đồng chí Trưởng Đoàn Giám sát tại Phiên họp thứ nhất để hoàn thiện các dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp này, Đoàn giám sát trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung cơ bản của dự thảo Kế hoạch giám sát, các Đề cương báo cáo. Trong đó, dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát gồm 06 phần, xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát; tiến độ triển khai thực hiện và việc tổ chức thực hiện.
Dự thảo Kế hoạch đã xác định rõ 03 mục đích, 02 yêu cầu của hoạt động giám sát. Theo đó, giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm mục đích xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/LS
Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hoạt động giám sát phải bảo đảm các yêu cầu: Bám sát các quan điểm chỉ đạo về phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án,…của Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tiến hành giám sát đúng quy định pháp luật; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, trung thực và tiến độ theo kế hoạch.
Nội dung giám sát tập trung vào 04 nội dung chính, gồm: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đối tượng giám sát là Chính phủ; các Bộ như Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; cơ quan, tổ chức sử dụng lao động: một số cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội.
Dự thảo Kế hoạch của Đoàn giám sát cũng đề nghị 12 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề tại địa phương và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Đoàn giám sát dự kiến tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh.
Đến thời điểm này, Đoàn giám sát đã xây dựng dự thảo các Đề cương báo cáo để định hướng cho việc tổ chức giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và làm cơ sở cho các đối tượng chịu sự giám sát, một số Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo.
Dự kiến, tại phiên họp tháng 8/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề.
LS