Tại cuộc họp cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 4/6, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, mặc dù hiện tại nguy cơ dịch Ebola lây lan vào trong nước thấp, tuy nhiên không loại trừ việc ghi nhận trường hợp bệnh Ebola về từ vùng có dịch tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và đại diện tổ chức WHO, dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Congo từ đầu tháng 4/2018 đến ngày 29/5 đã ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó có 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc chiếm 47%). Hiện nay, có 35 trường hợp xác định, 23 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế.
Giám đốc tổ chức WHO đã tới Congo để chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch. Hơn 7.500 liều vaccine đã được chuyển khẩn cấp cho Congo. WHO và các đối tác đã hỗ trợ Công Gô giám sát, quản lý, điều tra ca bệnh, huy động sự tham gia của cộng đồng, phòng chống nhiễm khuẩn, chôn cất an toàn, nghiên cứu sử dụng vaccine và kháng virus. Tổ chức WHO khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng đã họp đánh giá nguy cơ lây truyền Ebola.
Theo đó, các tổ chức quốc tế tổ chức đánh giá, dịch bệnh Ebola năm 2018 tại Congo được phát hiện sớm, quy mô ổ dịch nhỏ, khu vực xảy ra dịch bệnh ở khu vực hẻo lánh cách xa khu vực đông dân cư, giao thông đi lại khó khăn, ít giao thương và không có khách du lịch. Hiện hệ thống phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Ebola tại các nước láng giềng của Congo cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Vì vậy khả năng lây lan sang các quốc gia khác thấp.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng đã chủ động phối hợp với tổ chức WHO, US CDC theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình dịch tại Congo. Đồng thời đề nghị UBND một số tỉnh, thành phố có cảng hàng không quốc tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola. Các Trung tâm Kiểm dịch y tế, trung tâm phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu.
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết công tác giám sát dịch đã được triển khai tại các cửa khẩu từ 2 tuần nay. Viện đang hàng ngày cập nhật tình hình dịch bệnh và thông báo tới các Trung tâm, rà soát hướng dẫn chuyên môn để xem xét, nếu có vấn đề bất thường sẽ báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế.
Đại diện Cục An ninh cửa khẩu (Bộ Công an) cũng cho biết, số lượng khách từ Congo xuất, nhập cảnh Việt Nam rất ít vì thường quá cảnh qua các nước. Từ đầu 2018 đến nay chỉ có dưới 10 người xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài và 20 hành khách Tân Sơn Nhất. T
Trước tình hình dịch bệnh, Cục An ninh cửa khẩu cũng đã sẵn sàng cung cấp các số liệu về số lượng khách từ Congo đến Việt Nam và ngược lại, theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, tỷ lệ tử vong do Ebola ở Congo tới gần 50% số mắc là rất cao nên mức độ là nguy hiểm. Vì thế, Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt với các tổ chức quốc tế để đánh giá khả năng xâm nhập vào Việt Nam.
Dù dịch xảy ra ở vùng hẻo lánh của Congo, điều kiện y tế kém, không có khách du lịch, nhưng phòng chống dịch bệnh không cho phép lơ là chủ quan. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, WHO và US CDC; tiếp tục theo dõi giám sát tại cửa khẩu, hiện đang áp dụng giám sát thân nhiệt, chưa áp dụng tờ khai y tế cửa khẩu.
Nếu có diễn biến xấu về dịch, Cục Y tế dự phòng sẽ có hướng dẫn tờ khai và hạn chế đi lại.
Hiện, trên thế giới đã có vaccine phòng Ebola. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo Cục Y tế dự phòng rà soát lại kế hoạch ứng phó và tình huống nào thì cần sử dụng vaccine. Đồng thời ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ, rà soát các hướng dẫn về chuyên môn cho cán bộ nhân viên y tế...
Thuý Hà