vậy, các thành viên Đoàn giám sát cũng mong muốn địa phương cần tính toán kỹ các phương án trong sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, đảm bảo có lý có tình, lựa chọn được cán bộ có đủ năng lực đảm đương các nhiệm vụ.
Tỉnh Quảng Trị có 02 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp theo Nghị quyết số 653, gồm: Thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, do các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, các yếu tố địa lý, địa bàn nên giữ nguyên chưa tiến hành sắp xếp đối với thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ.
Tỉnh Quảng trị đã tiến hành sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 17 đơn vị hành chính cấp xã mới. Tuy nhiên, 16/17 đơn vị hành CHÍNH cấp xã hình thành sau khi sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Quảng Trị có 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn này bởi các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, các yếu tố địa lý.
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng Trị trong giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị làm rõ lộ trình bố trí nhân sự, cũng như những đề xuất rõ các chế độ chính sách đối với cán bộ để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, đặc biệt là những cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Ông QUÀNG VĂN HƯƠNG - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Liên quan đến việc giảm cán bộ trong đó có dân tộc thiểu số, đảm bảo giảm người không đáp ứng được năng lực, đồng thời phù hợp với chính sách dân tộc.”
Ông TÔ VĂN TÁM - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Về chính sách tinh giản cán bộ, hiện nay có chính sách 108, các ý kiến cho rằng chế độ chính sách đó chưa khuyến khích người ta nghỉ. Như thế thì các đồng chí kiến nghị sửa thì cần nêu cụ thể chính sách nên quy định như thế nào. Ví dụ như Cao Bằng kiến nghị tăng gấp đôi chính sách hiện tại, chứ kiến nghị chung thì rất khó. Đề nghị nói rõ hướng đề xuất.”
Ông NGÔ QUANG CHIẾN - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị: “Đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nên có chính sách riêng áp dụng chung cho cả nước đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Bởi cái khó hiện nay các cán bộ đều là người trẻ, đủ tiêu chuẩn, có trách nhiệm, tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ cho nên vận động để họ nghỉ là điều hết sức khó khăn. Cho nên cần quan tâm thêm có chính sách chung cho nhóm đối tượng này."
Ghi nhận những trao đổi thẳng thắn, tâm huyết trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những sự nỗ lực của cấp uỷ chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Trị trong điều kiện có rất nhiều khó khăn trong điều kiện đặc thù vùng miền của mảnh đất Quảng Trị nhưng trong hai năm vừa qua đã nghiêm túc triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ thực hiện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính. Đối với công tác nhân sự, trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng trong bối cảnh công việc ngày càng tăng thì cần phải nâng cao chất lượng cán bộ.
Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH: “Rất mong các đồng chí ở Quảng Trị quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm sao chuẩn hoá cán bộ một cách tích cực nhất, nhanh nhất bằng cách thiếu cái gì thì bồi dưỡng cái đó.”
Về sử dụng tài sản công sau sáp nhập, Phó trưởng Đoàn giám sát đề nghị tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng, đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là các công trình mang ý nghĩa cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau sáp nhập.
Thực hiện : Võ Linh Thùy Linh Tùng Dương