Mô hình phát triển chăn nuôi gia trại, theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Đakrông. Ảnh: Phương Thiện
Đakrông là huyện miền núi, có nhiều gia đình nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho các hộ dân để họ biết cách áp dụng hiệu quả vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồi núi để phát triển chăn nuôi theo hướng bản địa, tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, hầu hết người dân trong vùng chăn nuôi theo lối thả rông, tận dụng đồng cỏ tự nhiên, không có chuồng trại và hoàn toàn không chữa trị, tiêm phòng khi các vật nuôi bị bệnh... nên độ rủi ro rất lớn. Những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân chú trọng việc chăn nuôi tại gia đình theo hướng hàng hóa nên đã nhanh chóng thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ đã được hỗ trợ cho vay vốn đầu tư vào chăn nuôi dê, trâu, bò, lợn bản, gà rừng... đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất biên cương.
Điển hình như hộ anh Nguyễn Đăng Khiêm, ở thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi 8 con bò sinh sản, bình quân mỗi năm xuất bán được 5 con bò, thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng. Anh Hồ Văn Mười, ở thôn La Tó, xã A Bung, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo nhưng nay đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2000, anh Mười mua về 2 con bò giống, từng bước lấy ngắn nuôi dài.
Từ nguồn vốn tích lũy được, anh Mười tập trung chăm sóc bò, đồng thời, đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, nhờ đó, đàn bò của gia đình anh sinh sôi, phát triển tốt, đến nay, bò đã sinh sản hơn 20 con. Anh Mười phấn khởi chia sẻ: “Từ khi tập trung chăn nuôi theo hướng gia trại, đàn bò ít xảy ra dịch bệnh, được bổ sung thức ăn nên chúng nhanh lớn, phát triển tốt hơn. Gia đình tôi không những thoát nghèo, mà còn mua sắm vật dụng gia đình, kinh tế cũng khấm khá hơn”.
Không chỉ chăn nuôi trâu bò, các hộ nông dân ở Đakrông còn biết phát huy lợi thế vùng đồi núi, tập trung chăn nuôi dê, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Trước đây, chăn nuôi dê trên địa bàn thường theo hướng nhỏ lẻ từ 1 - 2 con, không đủ hàng hóa để tiêu thụ. Nhiều hộ nông dân các xã Đakrông, Hướng Hiệp, Mò Ó, Tà Long (huyện Đakrông) đã được Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê và hỗ trợ, đầu tư con giống nhiều hơn.
Tại các xã này có 130 hộ chăn nuôi hơn 180 con dê, đàn dê phát triển có hiệu quả như hộ anh Hồ Văn Cường, ở thôn Ba Rầu, xã Mò Ó đã có đàn dê sinh sản 10 con; gia đình anh Hồ Văn Hoan, ở thôn Klu, xã Đakrông, đã có đàn dê sinh sản 15 con.
Trên địa bàn Đakrông còn có một số hộ chăn nuôi lợn bản, lợn Vân Ba đạt hiệu quả kinh tế cao. Chị Hồ Thị Liên, thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó tham gia nhóm chăn nuôi lợn bản, nhờ được tập huấn chu đáo, chị đã biết áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi lợn vào thực tế một cách hiệu quả. Giờ đây, chị đã có ý thức hơn trong việc tận dụng những sản phẩm và phế phụ phẩm trong nông nghiệp sẵn có để phục vụ chăn nuôi cho gia đình mình. Mô hình chăn nuôi lợn bản của chị đã xuất bán mỗi năm hơn 10 con.
Từ việc thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Đakrông chuyển đổi phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa nên đã thoát nghèo bền vững, vươn lên khá và giàu. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đakrông tiếp tục vận động bà con phát triển chăn nuôi gia trại, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phương Thiện