Giảm nghèo bền vững để bảo đảm định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội 

Giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo nhất là giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, giải pháp cơ bản để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, từ trước tới nay, Đảng, Nhà nước xác định xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu, biện pháp cần tiến hành kiên trì, bền bỉ trong một thời gian dài. Xóa đói, giảm nghèo vừa nâng cao chất lượng nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; vừa góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; giảm bớt chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư; vừa thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đặc biệt, ngày 23 tháng 6 năm 2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo định hướng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các sở ban, ngành trong toàn tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Từ đó, cấp, cấc ngành đã chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động. Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở các xã còn khó khăn, vùng ven biển bãi ngang, thực hiện các dự án giảm nghèo đặc thù, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về nông- lâm- ngư nghiệp, ngành nghề nhằm tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người nghèo.

Nhờ vậy, phần lớn hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động đã cố gắng học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, các cơ quan, ban ngành có liên quan tập trung tham mưu việc thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo và người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo nguồn vốn để hỗ trợ. Từ nguồn vốn vay này đã giúp cho các hộ nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Bên cạnh đó, còn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong đó chú trọng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng của từng người, để có các phương pháp và đáp ứng nhu cầu thực tế, mang tính hiệu quả sau khi học nghề. Trong những năm qua đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động với những nghề chủ yếu là: dinh dưỡng nấu ăn, may công nghiệp, chăn nuôi gà thả vườn, trồng và chăm sóc cây tiêu, chăm sóc và khai thác mủ cao su,…. Người lao động sau khi đào tạo nghề, phần lớn đã tự tạo việc làm cho mình theo nhu cầu cá nhân và hộ gia đình, số còn lại tự giải quyết việc làm ổn định tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp đáng kể trên địa bàn tỉnh. Chính sách về dịch vụ y tế, giáo dục đã thật sự giúp cho hộ nghèo và con em của họ yên tâm trong việc đến trường và khám chữa bệnh. Việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo cũng mang lại ý nghĩa thiết thực, giảm bớt khó khăn cho các gia đình hộ nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo còn được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong giáo dục cho học sinh sinh viên, hỗ trợ gạo cứu đói. 100% hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xác định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số …

Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội và dân sinh ở các địa phương còn khó khăn, vùng ven biển bãi ngang gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp, đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Đồng thời, rà soát, phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân và theo từng địa bàn khu dân cư, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững theo địa chỉ và nguyên nhân nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ta vận còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể: tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ dân trí thấp, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tập quán sinh hoạt lạc hậu, tốc độ tăng dân số tự nhiên khá cao, điều kiện chăm lo sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế dẫn đến bệnh tật thường xuyên xảy ra, chi phí cho việc điều trị khám chữa bệnh và đi lại còn lớn nên khó có khả năng tích luỹ tái sản xuất mở rộng, thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự ty mặc cảm, chấp nhận đói nghèo như một định mệnh vẫn còn khá phổ biến trong người dân và một số cán bộ địa phương, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật, cơ chế chính sách hỗ trợ xoá đói giảm nghèo chưa phù hợp, thiếu đồng bộ…

Vì vậy, trong thời gian tới để công tác giảm ghèo bền vững đạt được kết quả cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, vững tin đi lên chủ nghĩa xã hội, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự điều hành, quản lý chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững trong toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện có, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại các vùng đặc biệt khó khăn theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, giảm hỗ trợ về tiền, tăng hỗ trợ về con giống, cây giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm. Tăng cường giảm nghèo bền vững theo hướng giảm tỷ lệ sản xuất nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, cần có sự tổng kết theo từng giai đoạn, nhằm bổ sung kịp thời những thay đổi cần thiết, nhất là về chuẩn nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, quan tâm đến việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tính hiệu quả của chương trình, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân, cũng như khẳng định tính đúng đắn và ưu việt của chính sách giảm nghèo bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tăng cường công tác tham mưu triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác giảm nghèo; điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo, không chạy theo thành tích; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào ”đỡ đầu hộ nghèo” để hỗ trợ đoàn viên, hội viên của mình vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện tốt những giải pháp cơ bản trên là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước góp phần định hướng giá trị đúng đắn cho nhân dân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hải Đăng

3399 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 726
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 726
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76787899