Giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch crona 

(ĐCSVN) - Từ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 54 ngày 04/2/2020 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch corona, các ngân hàng đã triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch corona gây ra.

 

Nhân viên ngân hàng có thể sử dụng khẩu trang khi thực hiện giao dịch, tiếp xúc với khách hàng nếu cần thiết . (Ảnh: HT)

Cụ thể, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho biết, trong danh mục khách hàng của VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn dịp này gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản; các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc… sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định như: Thuộc các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng và tác động của dịch corona, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu tại thị trường Trung Quốc nói trên; có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử  vay trả đúng hạn, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với VPBank trong thời gian qua… (tùy theo mức độ ảnh hưởng của từng doanh nghiệp, từng ngành và lĩnh vực kinh doanh).

Ngoài việc hỗ trợ về chính sách giảm lãi suất cho vay, ngay từ những ngày đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, VPBank đã chủ động tới tận doanh nghiệp để thăm hỏi và tìm hiểu, đánh giá tác động của dịch Corana tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó, cùng trao đổi và tìm giải pháp kịp thời để khắc phục các khó khăn như giãn nợ, cấu trúc nợ.  Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Ban lãnh đạo ngân hàng thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới để kịp thời có những chỉ đạo và hỗ trợ sát sao đối với các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng, đảm bảo không có doanh nghiệp nào phải chịu tác động kép gây ra do dịch bệnh.

Còn tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chia sẻ khó khăn với ngành Nông nghiệp trong nước khi giá bán trên thị trường đột ngột giảm mạnh.

Theo đó, Kienlongbank đã thông qua chủ trương cùng cả nước chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng trồng trái cây có thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc trên toàn quốc. Cụ thể, Kienlongbank sẽ áp dụng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 01/02/2020 đến 30/4/2020. Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Còn Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, ngân hàng đã triển khai chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành y, dược và người dân, chung tay vì cộng đồng chống lại dịch bệnh như: miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các các doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế cho Bệnh viện/Sở y tế/Trung tâm y tế.

Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã tiến hành rà soát lại danh mục tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với Trung Quốc để phối hợp, tư vấn kịp thời cho khách hàng; thường xuyên liên lạc với khách hàng qua các kênh điện thoại, email để cập nhật mức độ ảnh hưởng, và có các ứng phó, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng; đánh giá, rà soát các rủi ro tín dụng để có sự phòng tránh, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng cũng như đảm bảo an toàn tín dụng của ngân hàng...

 
Minh Phương
250 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 984
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 984
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87040916