Giảm giá dịch vụ y tế để cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế 

(Chinhphu.vn) – Thay vì tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) từ nay đến 2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT có hiệu lực từ 15/7 tới, trong đó quy định giảm giá 70 dịch vụ y tế. Theo Bộ Y tế, đây là những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều như khám bệnh, tiền giường, chụp X quang, chụp cộng hưởng từ…

 

Thông tư 15 có hiệu lực sẽ giảm giá tiền giường bệnh. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cũng cho biết, việc ra đời Thông tư 15 nhằm thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, đồng thời hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp cụ thể.

Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC năm 2015.

Tăng công suất giường quá mức

Tại hội nghị triển khai Thông tư 15 ngày 5/7 do Bộ Y tế tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ sở khám, chữa bệnh các tỉnh, thành phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, khi thực hiện giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, trong trường hợp bệnh nhân tăng quá mức phải kê thêm giường bệnh, không để một giường có 2-3 bệnh nhân và BHXH cũng sẽ thanh toán trên căn cứ thực tiễn, mà không căn cứ vào giường kế hoạch.

Tuy nhiên, sau khi có Thông tư 37, có nơi tăng công suất giường bệnh đến 100%, thậm chí có nơi tăng 150%. Hiện, Bộ Y tế đang tập hợp những cơ sở y tế tăng đột biến số giường bệnh để thảo luận với BHXH, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn thừa nhận.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, Thông tư 37 hiện nay chỉ đưa ra quy định về giá, mà không có hướng dẫn thanh toán cụ thể, dẫn tới một số vấn đề phát sinh như tần suất khám, chữa bệnh có quy định là 45 lượt/bàn nhưng thực tế nhu cầu lớn, nếu tính định mức đúng 45 lượt/bàn thì người bệnh sẽ phải chờ đến buổi khác để khám.

“Bộ đã làm việc, tranh luận với BHXH về việc cá biệt có tỉnh chỉ lấy định mức cứng nhắc 45 lượt khám/bàn, nên những trường hợp khám trên định mức không được thanh toán là không phù hợp. Việc lấy định mức nhưng dao động xung quanh đó chứ không phải cứng nhắc đúng 45 lượt khám/bàn. Hiện Bộ đang tập hợp các trường hợp này, xin ý kiến Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ giải quyết”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng dẫn chứng, qua 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh đang khống chế chi tiêu quỹ BHXH rất tốt, dao động 50-52% quỹ. Sau khi triển khai Thông tư 15, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư về giá dịch vụ trên cơ sở hợp nhất các thông tư liên quan phân tuyến kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật. Tiến tới, Bộ Y tế sẽ chuẩn hóa dịch vụ kỹ thuật, phân hạng kỹ thuật cho phù hợp cùng giá dịch vụ y tế, giảm từ 17 nghìn dịch vụ xuống khoảng 3 nghìn dịch vụ.

Việc ban hành Thông tư 15 cũng có ý nghĩa trong việc kiểm soát chỉ định các dịch vụ, hướng dẫn thanh toán cụ thể, bảo đảm cân đối quỹ BHYT đến năm 2020.

Cần công khai định mức kinh tế kỹ thuật

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, để thực hiện tốt Thông tư 15, đơn vị này đề nghị Bộ Y tế ban hành và công khai định mức kinh tế kỹ thuật để cơ sở khám chữa bệnh và người dân biết và thực hiện.

“Cần phải công khai cho người dân biết họ được hưởng dịch vụ như thế nào như điều hòa, quần áo bệnh nhân... Tránh trường hợp một số bệnh viện chỉ ngăn một phòng hẹp, có thêm điều hòa, ti vi và coi là phòng bệnh xã hội hóa, trong khi thực tế, phòng bệnh này không khác với phòng bệnh mà BHXH đang thanh toán”, ông Phúc dẫn chứng.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế công khai, minh bạch tiền thu giá dịch vụ y tế và phải có chế tài xử lý đối với các trường hợp thu thêm của người bệnh những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế.

“Khu vực phía bắc, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng thu thêm của người bệnh rất nhiều, kể cả chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế. Chúng tôi nhận nhiều phản ánh của bệnh nhân về trường hợp phải đóng thêm, chủ yếu từ hai nguyên nhân: Không giải thích rõ, thu thêm những khoản không được thu, trong đó có lý do là tự chủ bệnh viện”, ông Phúc nói.

Đại diện BHXH Việt Nam đề nghị cùng với Bộ Y tế thành lập đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện Thông tư viện phí mới, đặc biệt là việc kê thêm giường, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú. Thực tế có bệnh viện cứ 100 người đến khám thì 10 người được chỉ định vào viện, có nơi đến 20-30 người chỉ định nằm viện.

Thúy Hà

470 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87004888