Giảm gần 100 năm thu phí BOT: Bộ GTVT hành động  

(Tin tức thời sự) - 13 dự án BOT vừa được Bộ GTVT thực hiện điều chỉnh giảm thời gian thu phí tổng cộng là 92 năm 3 tháng.

Bộ Giao thông Vận tải  (GTVT) vừa thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.

Trong 19 dự án đường bộ, có 13 dự án được giảm thời gian thu phí tổng cộng là 92 năm 3 tháng; 4 dự án điều chỉnh tăng thời gian 24 năm 5 tháng.

Công trình đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh Tp.Thanh Hóa giảm thời gian giảm thu phí nhiều nhất, lên tới 20 năm 1 tháng.

Giam gan 100 nam thu phi BOT: Bo GTVT hanh dong
Quốc lộ 1 đoạn tránh Tp.Thanh Hoá.

Công trình này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 822 tỷ đồng, thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 27 năm 8 tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán 100%, giá trị thỏa thuận quyết toán là 718 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án đã được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 7 năm 7 tháng.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng được Bộ GTVT điều chỉnh kéo giảm thời gian thu phí sau khi đã thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán như: Dự án Quốc lộ 10 đoạn cầu Tân Đệ đến cầu La Uyên Km92+900 - Km98+400 giảm từ 21 năm 3 tháng xuống còn 11 năm 9 tháng; Dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu giảm từ 29 năm 11 tháng còn 21 năm 4 tháng; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1793+600 - Km 1824+00 tỉnh Đắc Nông giảm từ 21 năm 7 tháng xuống còn 12 năm 3 tháng…

Vì sao giảm?

Theo đại diện Bộ GTVT, việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí là do giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe; các tuyến đường này có lượng xe đi lại nhiều hơn so với dự kiến.

Căn cứ vào quy định mới, nhà đầu tư không lập dự án đầu tư mà việc này được tiến hành bởi Bộ GTVT. Trong bước lập dự án, tổng vốn đầu tư và lưu lượng xe chỉ là tạm tính nên không thể chính xác chi phí thực tế. Hàng năm, Tổng cục đường bộ sẽ đếm xe trên các tuyến đường để tính toán lại thời gian thu phí.

Bộ GTVT nhấn mạnh, sau khi quyết toán công trình, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cập nhật các thông số và tính toán lại thời gian thu phí để ký kết với nhà đầu tư làm cơ sở thu phí sau này.

Việc tổng mức đầu tư giảm sau quyết toán, cùng với việc cập nhật lại lưu lượng dòng xe thực tế, các thông số tài chính có liên quan,... sẽ làm thay đổi thời gian thu phí so với dự tính trước đây.

Thời gian qua Bộ GTVT đã rà soát các dự án BOT theo đúng các trình tự thủ tục quy định của pháp luật và hợp đồng BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, sau đó lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí.

''Trong quá trình vận hành, khai thác công trình, tùy thuộc hợp đồng dự án, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT cho đến hết vòng đời dự án. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường'', đại diện Bộ GTVT giải thích.

Chưa chứng minh vô can

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT ngày 21/2, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, nhiều dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí.

Bình luận về thông tin này trên Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ GTVT trong việc mời KTNN vào cuộc.

Tuy nhiên, ông Thủy khẳng định, việc Bộ GTVT chủ động mời KTNN vào kiểm toán các dự án không đồng nghĩa với việc sẽ nương nhẹ trách nhiệm của cơ quan này với những sai phạm liên quan.

"Tôi không biết vì lý do gì Bộ GTVT chủ động mời KTNN vào cuộc, nhưng điều đó chưa chứng minh rằng Bộ GTVT là vô can, là hoàn toàn đúng đắn trong trường hợp này.

Phải hiểu mọi chính sách thiết lập, hình thành cơ chế điều hành, quản lý BOT là do Bộ GTVT. Vì vậy, Bộ phải có các điều kiện, chế tài kiểm tra, giám sát cho phù hợp với điều kiện giao thông của VN hiện nay.

Nhưng kết quả trên cho thấy, Bộ GTVT đã chưa thực hiện được hết chức năng, vai trò, trách nhiệm của mình nên mới dẫn tới tình trạng có sự chênh lệch quá lớn giữa chủ trương với thực tế. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới những sai sót nêu trên", ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, kết quả chênh lệch quá lớn tại các dự án cho thấy đã có sự tính toán chi phí không sát thực tế, tổng mức đầu tư bị đẩy lên quá cao.

"Tôi cho rằng, cần phải làm rõ có hay không vấn đề khuất tất, không rõ ràng trong quá trình lập dự toán, thẩm định dự án đã để lợi ích nhóm chi phối?", ông Thủy đặt vấn đề. Bên cạnh đó, ông Thủy cũng đề nghị Bộ GTVT giải thích lý do chậm trễ trong áp dụng công nghệ thu phí ETC là gì?.

Hoàng Trung

573 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 227
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 227
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87585498