1 trong 6 chiếc xe đang tạm giữ tại cơ quan công an được phát hiện ngoài đường, cách vị trí tạm giữ khoảng 3km
Anh Hoàng Đức Ý (SN 1983, Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ vận tải ở TP Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, vào sáng 9/4, trong lúc anh Ý chuẩn bị rời quán cà phê để về nhà thì khoảng 5 - 6 người tự xưng là công an đề nghị anh phối hợp làm việc. Nội dung liên quan đến vụ giấy tờ xe giả do Công an Hà Tĩnh đang thụ lý, điều tra. Sau đó, nhóm người này áp tải anh Ý về trụ sở khu cảnh sát thuộc Công an tỉnh Quảng Trị.
Tại đây, nhóm người yêu cầu anh Ý cung cấp mật khẩu điện thoại, giải trình và mang 6 chiếc xe ô tô của anh này đang cho thuê dịch vụ về trụ sở công an Quảng Trị. Đến khoảng 23h cùng ngày, anh Ý được yêu cầu ký vào biên bản với nội dung tự nguyện ở lại để phục vụ công tác điều tra, rồi được đưa về nhà nghỉ của Công an Quảng Trị để ngủ, có hai người giám sát.
Cũng trong ngày 9 - 10/4, anh Ý bị nhóm công an trên yêu cầu viết đơn tự nguyện giao nộp tài sản là 6 xe ôtô hiệu Volkswagen Polo, biển kiểm soát TP HCM. 6 chiếc xe này đang được nhiều người thuê sử dụng, trong đó có một chiếc ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế), một chiếc ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị).
Tiếp đó, các công an này yêu cầu anh Ý đi Đà Nẵng phục vụ điều tra nhưng anh này từ chối. Đến 11h ngày 10/4, anh Ý mới được thả cho về nhà. Tuy nhiên, anh Ý chỉ được trả lại 1 điện thoại, còn 2 điện thoại và chứng minh nhân dân bị nhóm công an trên thu giữ.
Khoảng 21h ngày 10/4, anh Ý cùng luật sư vào Đà Nẵng đòi điện thoại thì đến chiều ngày hôm sau (11/4) mới được giao trả.
Cũng theo anh Ý, trong quá trình làm việc, anh không được sử dụng điện thoại để thông báo cho người thân biết và cũng không có lệnh tạm giữ. Anh Ý cho biết: trong 25 giờ bị giữ, anh bị công an hăm doạ, ức chế, xâm phạm quyền riêng tư khi tin nhắn, hình ảnh ở điện thoại bị sử dụng.
Vào sáng ngày 12/4, anh Ý phát hiện 1 trong 6 chiếc xe đang bị tạm giữ tại cơ quan công an biến mất liền cử người đi tìm kiếm. Sau đó, chiếc xe được tìm thấy ở đường Hai Bà Trưng (TP Đông Hà), cách vị trí tạm giữ khoảng 3km, người điều khiển xe là cán bộ Công an Hà Tĩnh. Vụ việc được anh Ý trình báo lên Công an Quảng Trị và lập biên bản trong chiều cùng ngày (12/4).
Anh Hoàng Đức Ý bức xúc khi bị công an giữ người, tài sản và sử dụng tài sản trái phép
Theo Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an Hà Tĩnh, đơn vị này đang điều tra đường dây làm giấy tờ, con dấu giả, buôn bán xe lậu trong đó nghi ngờ 6 chiếc xe của anh Hoàng Đức Ý có liên quan đến vụ án. Chính vì thế, cán bộ công an Hà Tĩnh đã mời anh Ý về làm việc để xác minh làm rõ chứ không phải giam giữ người.
Sau khi xác minh có 5 chiếc xe đã chứng minh được nguồn gốc hợp pháp nên được trả về cho doanh nghiệp vào tối ngày 13/4, còn 1 chiếc xe còn lại đang nghi vấn nằm trong chuyên án nên buộc phải đưa về Hà Tĩnh để tiếp tục điều tra.
Luật sư Trần Đức Anh (Văn phòng Luật sư Trần và Cộng sự) cho hay, việc giữ người phục vụ công tác điều tra phải được thông báo đến gia đình và có phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp khẩn cấp, sau khi giữ người phải lập tức báo cáo, xin lệnh phê chuẩn của đơn vị có thẩm quyền.
“Việc thu giữ tài sản phải có biên bản xử lý vi phạm của tài sản. Pháp luật không quy định người dân tự đến nộp tài sản, vì vậy, hai biên bản tự nguyện ở lại và tự nguyện giao nộp xe ôtô đều không đúng pháp luật. Việc sử dụng xe ô tô của cán bộ công an Hà Tĩnh cũng trái quy định của pháp luật vì khi sử dụng xe đang tạm giữ thì phải có quyết định trưng cầu”, luật sư Trần Đức Anh nói.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin vụ việc.