Giám định tư pháp: ‘Điểm nghẽn’ trong các vụ án tham nhũng, kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 250/QĐ-TTg.
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sau 5 năm thực hiện Đề án, đa số các nhiệm vụ và giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nổi lên một số vướng mắc đòi hỏi phải giải quyết, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Bên nói có, bên nói không

Theo nhiều chuyên gia, một trong những “điểm nghẽn” của công tác giám định tư pháp hiện nay là cơ chế phối hợp giải quyết kết luận giám định tư pháp trong các vụ án kinh tế, dân sự đã gây khó khăn cho hoạt động điều tra một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN Việt Nam) cho rằng chỉ khi nào cơ quan tố tụng có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì NHNN mới thực hiện các trưng cầu giám định thuộc lĩnh vực ngân hàng vì NHNN chưa có cơ quan giám định công lập, các giám định viên là kiêm nhiệm, công việc quá tải.

Không đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng không có quy định của pháp luật bắt buộc phải khởi tố vụ án mới được trưng cầu giám định. “Rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng bị chậm trễ là do không có hoặc chậm ban hành trưng cầu giám định”, ông Các nói.

Trong khi đó, ông Trần Đăng Phi nêu khó khăn những năm gần đây, việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng gửi đến quá nhiều (từ 2015 đến tháng 6/2018, NHNN đã thành lập 88 đoàn để thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tố tụng), nhiều tài liệu cơ quan tố tụng gửi đến trưng cầu giám định lại thiếu so với yêu cầu, kinh phí giám định và chế độ bồi dưỡng chưa được thanh toán đầy đủ.

Qua đó, ông Phi đề nghị cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác giám định tư pháp ngoài công lập, cơ quan trưng cầu giám định cần đưa ra các nội dung trưng cầu giám định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan được trưng cầu giám định, không chồng chéo và chỉ tiến hành giám định đúng chuyên môn, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, không yêu cầu các nội dung giám định liên quan đến hoạt động điều tra, kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc nhiệm vụ được giao của các cơ quan khác hoặc kết luận các hành vi phạm tội…

Giám định viên ngành y tế: Thiếu đầu vào, khó đầu ra

Một khó khăn cũng được lãnh đạo ngành y tế nêu khi nói đến lĩnh vực giám định pháp y tâm thần là thiếu nhân lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, nhân lực giám định ngành y tế thiếu, ít, làm việc nặng nhọc nhưng chế độ đãi ngộ chưa xứng đáng nên khó thu hút được người theo nghề. Người có chuyên môn, kinh nghiệm thì lại vướng quy định tuổi nghỉ hưu, một số địa phương lại rục rịch sáp nhập trung tâm pháp y vào BV da khoa cấp tỉnh nên anh em lại càng hoang mang trong công tác.

“Tôi đề nghị duy trì hệ thống tổ chức giám định pháp y được ổn định và phát triển theo mô hình đã được quy định trong Luật Giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng”, ông Tiến kiến nghị.

Trong tham luận của mình, đại viện Viện KSND Tối cao cho rằng, việc thành lập tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp là cần thiết trong việc thực hiện tổng hợp, tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng.

Tuy nhiên, đề nghị để Viện KSND Tối cao thực hiện vai trò của cơ quan thường trực của tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp là chưa đúng vai mà nên chuyển cho Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của tổ tư vấn này là phù hợp.

Để công tác phối hợp liên ngành được tốt hơn, TAND Tối cao kiến nghị cần có quy định rõ “thời hạn giám định ở từng lĩnh vực”, bảo đảm hoạt động giám định tư pháp được thực hiện theo trình tự thống nhất trong cả nước, tạo thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án hiện nay.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế giám định tư pháp với việc xây dựng Thông tư của Chánh án TAND Tối cao hoặc Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết quả giám định tư pháp trong hoạt động xét xử của Toà án.

Giải pháp trước việc “né tránh, đùn đẩy” giám định tư pháp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng lĩnh vực giám định tư pháp khó, phức tạp nên nếu không nâng cao nhận thức và quan tâm thì khó đạt hiệu quả. Theo đó, tính quyết định của công tác giám định trong hình sự thì quyết định có tội hay không có tội, trong vụ việc dân sự bên nào thắng bên nào thua rất quan trọng.

Việc triển khai Đề án này nhằm tạo chuyển biến, động lực mới trong công tác giám định tư pháp, đặc biệt quan trọng đối với công tác cải cách tư pháp, phòng chống tội phạm. Thực hiện nhiệm vụ đề án là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương. Vì thế cần chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, có giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp. Các bộ, ngành tiếp tục có rà soát, tổng kết, tham gia với Bộ Tư pháp, nêu lên khó khăn, vướng mắc, có tính đến việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp sau này được bài bản hơn, sát thực tiễn hơn, dễ áp dụng hơn.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ không có cơ quan giám định chuyên trách cần đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm hoàn thiện quy trình giám định, phân công đầu mối tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám đính; báo cáo người thẩm quyền phân công tổ chức, cá nhân thực hiện giám định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện yêu cầu giám định nhằm chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy.

Lê Sơn

488 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1002
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1002
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007407