Ngày 5/5, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 nhân dịp Tháng công nhân 2023, theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, kết hợp trực tuyến với 67 điểm cầu tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc.
|
Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu chính. |
Tham dự có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Tạ Văn Hạ; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên cũng từng bước được cải thiện, trên 29,3% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).
Hằng năm, các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm ngàn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi.
Bên cạnh đó, 70% lao động đi làm việc ở nước ngoài là thanh niên, tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn thiếu các chính sách riêng cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế trong khi nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế. Tỉ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỉ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chỉ hơn 3%); một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu, nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15 - 24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam (quý 1/2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước 2,25%).
|
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, kết hợp trực tuyến với 67 điểm cầu tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. |
Minh chứng cho thực trạng này, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến cho hay, tháng 4 vừa qua, ông cùng đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế, gặp gỡ lao động tại 3 tỉnh ở phía Nam. Thực tế đáng báo động là tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp rất nhiều. Tình trạng mất việc làm của lao động ở phía Nam cao hơn nhiều miền Bắc. Với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay thì cứu trợ, hỗ trợ cho lao động là rất quý nhưng điều quan trọng nhất, gốc giải quyết vấn đề là cần tạo công ăn việc làm cho lao động.
Diễn đàn cũng nhận được 38 tham luận của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh; các tỉnh đoàn, thành đoàn, trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên quản lý; các chuyên gia, nhà quản lý cùng gần 1.000 câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước qua hộp thư điện tử: diendanchinhsachvieclam2023@gmail.com.
Phát biểu bế mạc, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Lực lượng lao động là thanh niên luôn luôn giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên.
Tại diễn đàn, Ban Tổ chức ghi nhận các ý kiến, câu hỏi của thanh niên và trao đổi, thông tin của các bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội cũng như các chuyên gia, các tổ chức, đơn vị về 3 nhóm vấn đề: Xu hướng việc làm của thanh niên - Thực trạng và các giải pháp đặt ra trong tình hình mới; Các kiến nghị của thanh niên liên quan đến chính sách về việc làm như: Tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh; chính sách quản lý giờ làm thêm của sinh viên; chính sách tín dụng cho thanh niên, chính sách cho thanh niên xuất khẩu lao động; chính sách huy động thanh niên tham gia các chương trình, dự án phát tiển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn, giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động; các chính sách với thanh niên lập nghiệp, thanh niên khởi sự doanh nghiệp; Các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, đơn vị, chuyên gia, đoàn viên thanh niên gửi đến Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về những vấn đề liên quan đến chính sách việc làm bền vững cho thanh niên.
"Cùng với các tham luận và thông tin của các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị, tổ chức quốc tế, chúng ta cũng hiểu hơn về hệ thống các chính sách việc làm cho thanh niên đã được quy định trong các Luật hiện hành gồm: Nhà nước có các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn, giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động; Nhà nước có các chính sách giao cho tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Nhà nước có các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp tạo chỗ ở cho lao động trẻ, tổ chức, các cá nhân xây nhà cho thuê, bán cho thanh niên theo hình thức ưu đãi ở những nơi tập trung lao động trẻ; Gia đình có trách nhiệm giáo dục ý thức lao động, tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp, việc làm của thanh niên; Chính phủ có chính sách riêng về hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ học sinh - sinh viên khởi nghiệp; Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững... Ngay sau diễn đàn này, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật", đồng chí Bùi Quang Huy cho biết./.