Giải quyết thách thức thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) - Nhiều thách thức đối với Việt Nam khi thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Đó là nội dung được nêu tại phiên họp “Nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các khuyến nghị, giải pháp” trong khuôn khổ Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tổ chức tại Đà Nẵng sáng 18/12.

Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững

Đánh giá kết quả đạt được của Việt Nam trong thực hiện SDG số 1 về xóa bỏ đói nghèo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: Trong hơn 2 thập kỷ qua, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 7% (năm 2017). Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện về cả sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, được LHQ đánh giá là một trong các nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, tuy đã đạt được những thành tích ấn tượng về giảm nghèo, an sinh xã hội, nhưng Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như: Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững; chất lượng việc làm chưa bảo đảm, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm; hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung chưa phát huy được hiệu quả…

Để thực hiện tốt mục tiêu về xóa bỏ đói nghèo, Việt Nam tiếp tục xác định công tác giảm nghèo và an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và huy động được sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức quốc tế.

“Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người nghèo. Phải làm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thật sự là chủ thể trong tiến trình giảm nghèo, tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện, nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo đã đặt ra trong năm 2019.

Về chính sách giảm nghèo, tập trung vào 3 nhóm chính sách, đó là hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân kết hợp với dịch vụ bảo hiểm y tế ngoài công lập; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; tiếp tục công tác tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình.

BĐKH tác động nặng nề đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đề cập về những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện SDG số 13 về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam sẽ phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết, chuyển từ phương thức thực hiện tự nguyện như từ trước đến nay sang phương thức bắt buộc thực hiện từ năm 2021.

“Việt Nam phải giải quyết vấn đề gia tăng phát thải khí nhà kính do năng lượng tái tạo chưa phát triển, trong khi các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí… vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn. BĐKH ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH chưa đầy đủ, đồng bộ…”, ông Võ Tuấn Nhân phân tích.

BĐKH đã, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, do đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu Quốc hội Việt Nam và IPU tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào thực hiện SDG về ứng phó với BĐKH. Cụ thể là xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về BĐKH và liên quan đến BĐKH; tăng cường vai trò lập pháp của Quốc hội trong rà soát, ban hành và ban hành bổ sung chính sách, pháp luật về ứng phó BĐKH bảo đảm hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét, phê chuẩn các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước, các quy hoạch chuyên ngành phải tính toán đặt bối cảnh thực hiện SDG, trong đó có SDG về ứng phó BĐKH, bảo đảm liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực…

Chia sẻ về những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện SDG số 2 về bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng nêu lên những khó khăn, thách thức trong bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững như: Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ; BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra khó lường, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp…

Để thực hiện tốt SDG số 2, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai, tạo khung khổ pháp lý cao nhất cho phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông dân, nông thôn. Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết mới về an ninh lương thực và đầu tư nguồn lực phát triển ngành nông nghiệp, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong thời kỳ mới…

Minh Trang

300 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 637
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 637
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78076582