Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như vậy tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 18/4.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là giải pháp đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu: Việc triển khai thực hiện chính sách với người hoạt động kháng chiến và con đẻ trong thực tiễn có những vấn đề xảy ra, cá biệt có nơi con đẻ được hưởng trợ cấp chất độc hóa học nhưng cha không được, Bộ trưởng có biết không?
Nhấn mạnh chính sách người có công là một trong những chính sách thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhưng vẫn còn một số vướng mắc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: “Từ ngày về nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng đánh giá mặt được là gì, hạn chế nhất trong chính sách là gì, giải pháp nào khắc phục vướng mắc?”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Bộ trưởng giải trình vấn đề tu bổ, nâng cấp, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ trước tình trạng một số địa phương xảy ra tình trạng công trình ghi công liệt sỹ bị xuống cấp.
Tại phiên họp, các đại biểu: Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)... đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình về việc một bộ phận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn chưa được giải quyết chế độ, chính sách; nhiều trường hợp không thuộc đối tượng là người có công, nhưng đã chạy chọt, thậm chí bỏ tiền để "lo lót" tìm cách được công nhận là người có công nhằm hưởng chính sách ưu đãi; công tác hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở.
13 vướng mắc, bất cập
Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiều lần thể hiện những nỗi day dứt, trăn trở với công tác người có công. Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ cùng lãnh đạo Bộ đổi mới cách làm, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng thời gian qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hiện cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp 1 lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng…
Kết quả rà soát gần 2,1 triệu người có công năm 2014-2015 cho thấy, số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.769 người (chiếm tỷ lệ 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm tỷ lệ 4,16%) và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người (chiếm tỷ lệ 0,09%).
Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin, sau tổng rà soát 12 nhóm đối tượng người có công trong năm 2014-2015, có khoảng 28.500 trường hợp kê khai chưa được hưởng chính sách nhưng thực tế, số có hồ sơ kê khai đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là trên 5.900 trường hợp. Bộ trưởng cho biết: “Lý do chính là một bộ phận đủ điều kiện song khi lập hồ sơ lại không đủ căn cứ để chứng minh theo quy định. Một bộ phận không đủ điều kiện nhưng vẫn cứ lập hồ sơ đề nghị. Một bộ phận chưa đủ điều kiện do quy định của các chính sách thời điểm lập hồ sơ nay do các quy định được nới rộng và điều chỉnh cho phép xem xét giải quyết”.
Bộ trưởng cũng nêu rõ 13 vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công như: Chưa quy định chế độ ưu đãi người tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc bị địch bắt tù đày sau 30/4/1975; Một người có công thuộc 02 đối tượng được hưởng trợ cấp, phụ cấp thì một người có thể hưởng nhiều suất trợ cấp phục vụ; Chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế với nhân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống (trong khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học lại có); Chưa cho phép người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21% được giám định vết thương tái phát; Việc hạn chế thân nhân liệt sỹ được hưởng tối đa 03 suất chưa đảm bảo công bằng theo chế độ, công lao đóng góp; Công nhận liệt sỹ khi bị oan sai; Nhà ở người có công; Một số vấn đề vướng mắc về thanh niên xung phong, chất độc hóa học…
Trả lời các vị đại biểu, Bộ trưởng bày tỏ: “điều rất nhức nhối với chúng ta, nhất là những người thực thi chính sách là chiến tranh đã lùi xa nhưng một bộ phận người có công vẫn đang chờ đợi chính sách, trong khi tuổi của họ ngày một nhiều”.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trước mắt đối với các hồ sơ không còn giấy tờ, tập trung xử lý theo quy định của Thông tư liên tịch giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo giải quyết thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm.
Đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Tại phiên họp, trả lời các đại biểu về vấn đề dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm lại ở những thung khe, bờ suối mà chưa quy tập được, nhiều liệt sĩ hi sinh nhưng chưa xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ do còn thiếu thông tin, Bộ trưởng phát biểu: “Day dứt nhất, đau lòng nhất là chúng ta còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang. Đây cũng là việc ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua”.
Theo Bộ trưởng, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện và thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia 1237 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Hiện nay, trong cả nước có 20 đơn vị chuyên trách thường xuyên triển khai công việc này. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ LĐTB&XH và các địa phương cũng như các nước bạn đã cố gắng ở mức cao nhất để tìm kiếm, tiếp nhận, quy tập gần 8.000 hài cốt liệt sĩ, an táng yên nghỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ.
Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang tập trung thực hiện Đề án 150 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đến nay, cả nước còn trên 300.000 liệt sĩ chưa rõ danh tính. Sau hơn 3 năm triển khai bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đã xác định được 3.260 danh tính hài cốt liệt sĩ và báo cho gia đình liệt sĩ. Bộ trưởng chia sẻ “Để đạt được kết quả đó, đã lấy 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ, trên 4.000 mẫu thân nhân; tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Thực hiện tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ hy sinh tại nước bạn Lào để phân tích, so sánh, xác định danh tính liệt sĩ".
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện Chính phủ đang giao cho 3 đơn vị thực hiện xác định gen là: Quân đội, Công an và Viện Hàn lâm Khoa học. Hiện Bộ đang đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế và một số cơ sở nữa, có thể 6 cơ sở để mở rộng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đề xuất, bên cạnh lấy mẫu sinh phẩm, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép lập ngân hàng gen. Sau này, tất cả các mẫu sinh phẩm đã lấy có gen, các gia đình chủ động tự mình đến đối chiếu. Đi đôi với ngân hàng gen là ngân hàng về mộ liệt sĩ với tất cả cơ sở dữ liệu.
Nhấn mạnh thời gian tới, những công việc này cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn, Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi cũng hứa với Quốc hội, hứa với Thủ tướng cố gắng phấn đấu quy tập càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì chiến tranh đã qua lâu, càng để lâu sẽ càng không còn cơ hội tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ”./.
Kim Thanh