Theo đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) sẽ tiến hành đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và để tổ chức công đoàn nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong các mối quan hệ chính trị giữa Đảng, chính quyền và công đoàn, đây cũng là phương thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới.
Đề án phấn đấu từ năm 2017 đến năm 2018 hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đặt ra là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về giải pháp tài chính, giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ hơn 141 tỉ đồng; sau giai đoạn 2016-2020, đề án sẽ được hỗ trợ khi có chủ trương về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật; nguồn tài chính của Tổng LĐLĐVN; nguồn vốn vay ưu đãi và vốn huy động hợp pháp khác…
Theo ông Phan Văn Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐVN, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đề án: Theo kế hoạch của Tổng LĐLĐVN, trong năm 2017 sẽ tiến hành xây dựng 10 thiết chế công đoàn (CĐ) tại các tỉnh Quảng Nam, Tiền Giang, Hà Nam. Tại các tỉnh trên, UBND tỉnh đã cấp đất, Tổng LĐLĐVN đã khảo sát và lập quy hoạch mặt bằng, tiến hành xây dựng thiết chế. Ngoài các tỉnh trên, hiện đã có thêm tỉnh Phú Thọ và Hưng Yên đồng ý cấp đất để CĐ thực hiện xây dựng thiết chế.
Nhân Tháng công nhân 2017, ngày 22/4 vừa qua, tại tỉnh Quảng Nam, Tổng LĐLĐVN tổ chức khởi công xây dựng trường mầm non cho con công nhân lao động (CNLĐ) tại khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc thuộc thị xã Điện Bàn. Đây là một trong số các hạng mục thuộc thiết chế CĐ phục vụ nhu cầu của đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Trường mầm non nói riêng và khu thiết chế CĐ tại Quảng Nam là một trong những công trình quan trọng nằm trong chủ trương xây dựng khu thiết chế cho CNLĐ của tổ chức CĐ trên cả nước suốt nhiều năm qua.
Dự án xây dựng thiết chế CĐ tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc được xây dựng trên diện tích 40.000m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 377,2 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà thi đấu đa năng; trường mầm non, sân, đường; điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng diện tích xây dựng trên 2.500m2, tổng mức đầu tư trên 27,2 tỉ đồng.
Về nhà ở, sẽ xây dựng 14 tòa, mỗi tòa gồm 5 tầng với tổng diện tích xây dựng trên 7.800m2 sàn, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng (tương đương 884 căn hộ), đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.500 đoàn viên, công nhân lao độngtrong KCN Điện Nam – Điện Ngọc.
Tổng LĐLĐVN cũng đã tiến hành làm việc với Bộ Xây dựng để có được thiết kế điển hình nhà mẫu, sau đó triển khai ở các địa phương. Theo đó, sẽ có các căn hộ với các loại diện tích 30m2, 35m2, 40m2, 50m2 và có căn hộ kèm gác xép hoặc không có, tùy theo nhu cầu của gia đình đoàn viên CĐ và NLĐ…
Sau khi có các căn hộ mẫu, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN sẽ phê duyệt đơn giá bán cho dự án, giao Ban Điều hành triển khai dự án tại địa phương thực hiện việc tuyên truyền tổng thể dự án và giới thiệu chi tiết mẫu căn hộ, giá bán, giá thuê chi tiết cho từng tầng, từng căn hộ, tổ chức cho đoàn viên, CNLĐ đăng ký, đặt cọc mua nhà, thuê nhà tại dự án. Sau khi Ban Điều hành tổng hợp nhu cầu đăng ký đặt cọc mua nhà, thuê nhà tại các dự án báo cáo Ban Chỉ đạo làm căn cứ trình Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN quyết định phê duyệt quy mô và phân kỳ đầu tư.
Trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN cũng sẽ tiếp tục xây dựng các thiết chế CĐ tại các tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai và tại các địa phương khác nhằm đáp ứng các yêu cầu thiết thực của đoàn viên công đoàn và người lao động. Kinh phí để xây dựng 50 thiết chế CĐ tại các địa phương là khoảng 11.000 tỉ đồng, ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nguồn tài chính đóng góp của Tổng LĐLĐVN là 5.000 tỉ đồng; 6.000 tỉ đồng còn lại, tổ chức CĐ sẽ đứng ra bảo lãnh để ngân hàng cho đoàn viên, người lao động vay vốn mua nhà.
Đối tượng được mua căn hộ thuộc thiết chế CĐ là đoàn viên CĐ, NLĐ đang làm việc tại DN, công chức viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa bàn có thiết chế CĐ có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, chưa có nhà ở hoặc đang thuê nhà ở.
Điều kiện để đoàn viên CĐ được mua căn hộ thuộc thiết chế CĐ là gia đình có khó khăn về nhà ở: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức (bao gồm cả vợ và chồng nếu đã đăng ký kết hôn) gồm: Chưa có nhà ở và đang phải ở nhờ, thuê, mượn nhà ở của người khác hoặc có nhà ở nhưng đã bị Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; chưa được mua, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc tại các dự án nhà ở xã hội khác; chưa được tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa.
Trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội hoặc bị hư hỏng, dột nát, gồm: Có nhà ở là căn hộ chung cư nhưng diện tích bình quân của hộ gia đình dưới 10m2 sàn/người; có nhà ở riêng lẻ nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình dưới 10m2 sàn/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, đoàn viên CĐ phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại địa bàn có thiết chế CĐ; bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ một năm trở lên tính từ thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn hoặc quyết định tuyển dụng. Phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị mà người đó đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, qua khảo sát của các cấp CĐ trong cả nước, vấn đề mà CNLĐ quan tâm, mong mỏi nhất hiện nay là có chỗ ở ổn định, có các thiết chế phục vụ đời sống… để họ có thể yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ là chăm lo đến đời sống, việc làm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, Tổng LĐLĐVN đã đề nghị Chính phủ có cơ chế để tổ chức CĐ có thể huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng những căn hộ chất lượng, giá phù hợp với thu nhập của người lao động. Đi kèm với các dãy nhà ở là “Siêu thị CĐ”, tại đây các mặt hàng đã được bình ổn giá, được các cơ quan nhà nước kiểm định chất lượng, CNLĐ và đoàn viên CĐ khi mua sắm được giảm giá; nhà trẻ dành cho con CNLĐ do ngành giáo dục, tổ chức CĐ và tư nhân cùng tham gia quản lý...
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định, đây là một trong những hoạt động chăm lo thiết thực cho NLĐ, để họ thấy tổ chức CĐ đã đem được lợi ích cho CNLĐ, họ tin tưởng và coi tổ chức CĐ là chỗ dựa vững chắc./.
Hiền Hòa