Với tiến độ như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn. Chính vì vậy, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cả nền kinh tế đang ở tình trạng không bình thường thì cũng cần đến những biện pháp không bình thường để thúc đẩy đầu tư công.
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn TS. Trần Đình Thiên về câu chuyện giải quyết vốn đầu tư công quan trọng này.
|
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. |
Để nền kinh tế thoát khỏi rủi ro, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công vì sao lại là then chốt, thưa ông?
TS. Trần Đình Thiên: Mấy trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công hiện chưa giải ngân được, nếu bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất.
Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phải trông cậy từ nguồn tài trợ của Chính phủ thì nguồn vốn đầu tư công rất quan trọng. Hiện nay, Chính phủ đã và đang cam kết hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực, triển khai trên toàn tuyến. Về khía cạnh tài chính, thuế… giải quyết cho doanh nghiệp gặp khó khăn rất rõ ràng, đặc biệt là trợ giúp miễn, giảm, hoãn thuế…
Chính phủ cũng phối hợp với bên hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp điều kiện vay vốn, lãi suất. Các ngân hàng cũng đều trong tình thế chia sẻ khó khăn và có cam kết.
Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn mà chúng ta chưa lường hết được xu hướng, diễn biến phức tạp bởi cho đến giờ vaccine chống COVID-19 vẫn chưa tìm ra thì khả năng đứt chuỗi còn kéo dài. Ví dụ những kết nối, liên kết về du lịch vẫn bị ngừng trệ. Thêm vào đó, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra trong tình trạng khá bất thường. Trung Quốc đang bị lũ lụt cũng là sức ép để đẩy các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc. Tình thế đang có nhiều bất ổn và có nhiều dự báo khác nhau.
Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ về mặt tài chính, tiền tệ đều chứa đựng nhiều nguy cơ bên trong. Cơ sở cho sự hồi phục của doanh nghiệp là các chuỗi sản xuất thì chưa được kết nối trở lại.
Về tài khóa, cứu doanh nghiệp là đúng, nhưng lại có sự trả giá là ngân sách yếu đi. Vì vậy, phải có tầm nhìn dài hơn để phân bổ nguồn lực cứu trợ, bởi nếu dốc hết ra thì lúc cần lại không còn nữa.
Trong bối cảnh như vậy, việc giải ngân đầu tư công diễn ra như một giải pháp trung tâm, cơ bản. Chúng ta có khoảng 30 tỷ USD như Chính phủ thông báo, đang ngưng trệ vì vốn đầu tư công không giải ngân được. Nếu giải ngân được thì khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế được hồi sinh rất cao.
Khi nền kinh tế tốt, chi tiêu công ít, dành dư địa cho khu vực tư nhân. Khi nền kinh tế yếu, khu vực tư nhân khó khăn, thì ngân sách phải chi ra, đầu tư công phải trở thành động lực. 700.000 tỷ đồng tiền ngân sách dành cho đầu tư công năm nay sẽ nuôi cả nền kinh tế. Dòng tiền này “bơm” ra từ đầu tư công sẽ tạo nguồn cung-cầu cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, làm thế nào để giải ngân được nguồn vốn còn rất lớn là vấn đề đang đặt ra. Theo ông cần có những giải pháp gì?
TS. Trần Đình Thiên: Đầu tư công đang rất trì trệ và khả năng sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua những quy định đang "cài răng lược", cản trở nhau hiện nay, sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua được những nguyên tắc, quy trình đã làm khó đầu tư công nhiều năm nay.
Đây chính là thời điểm, cơ hội mang tính lịch sử để chúng ta xử lý việc quan trọng này. Áp lực này cho chúng ta giải pháp đặc biệt của tình thế đặc biệt. Lúc này cả nền kinh tế đang ở tình trạng không bình thường thì cũng cần đến những biện pháp không bình thường để thúc đẩy đầu tư công. Ví dụ, cần phải có những giải pháp theo kiểu cắt bỏ quá khứ, bỏ các quy định hành chính để các dự án hạ tầng, kết nối đã có vốn, chỉ đợi thủ tục là có thể triển khai được ngay.
Bỏ qua những quy trình, nguyên tắc cũ không có nghĩa là vô nguyên tắc, mà phải đưa quy trình, thủ tục khác để phê duyệt, phải đơn giản, rõ ràng và tính chịu trách nhiệm cao hơn. Đầu tư công cũng cần mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia.
Trên nền tảng đó chúng ta sẽ phát hiện ra, hóa ra để làm những việc này chúng ta phải bỏ qua những thủ tục này, thủ tục kia, đồng thời phải chặt chẽ hóa nó để những sơ sót không xảy ra. Việc giảm các thủ tục để giải quyết nhanh, thanh toán kịp thời cho các doanh nghiệp tại các dự án đầu tư công là giải pháp rất hữu hiệu để các doanh nghiệp có điều kiện thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, góp phần tái khởi động nền kinh tế.
Nhật Nam (thực hiện)