Giải phóng thủ đô Hà Nội 10/10/1954 - Mốc son trong sự nghiệp cách mạng của thủ đô và đất nước 

Tháng 8/1945, Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang) và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô – là “trái tim và khối óc” của đất nước.

Hòa bình chưa được bao lâu, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Nam Bộ, sau đó từng bước gây hấn, khiêu khích, tạo cớ tấn công ra miền Bắc hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng, thiết lập trở lại nền nô dịch của chủ nghĩa thực dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”, với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, chính thức phát động cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diên, trường kỳ, tự lực cánh sinh” trên phạm vi cả nước. Hướng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Hà Nội tiên phong nổ tiếng súng đánh giặc. Quân dân Thủ đô đã chiến đấu ngoan cường, kìm chân địch trong nội thành suốt 60 ngày đêm, gây cho chúng nhiều khó khăn, hoang mang, tổn thất. Đầu năm 1947, ta được lệnh rút khỏi lên chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thủ đô bị thực dân Pháp chiếm đóng, quân và dân Hà Nội tiếp tục phát triển chiến tranh du kích ngay tại sào huyệt của địch.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Theo Hiệp định Geneve, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17-9-1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý thành phố.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng ủy tiếp quản, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là công nhân, tự vệ nhà máy, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu, mang đi hồ sơ quan trọng; đồng thời, chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt ở các xí nghiệp lớn như: điện Yên Phụ, đèn Bờ Hồ, Bưu điện, ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), ga Gia Lâm, sở Lục Lộ, công ty vệ sinh,… để giữ cho việc cung cấp điện, nước, đảm bảo giao thông liên lạc và vệ sinh đường phố, đảm bảo đời sống bình thường của nhân dân ta khi ta vào tiếp quản thủ. Cuộc đấu tranh của Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh của phái đoàn ta trên bàn hội nghị ngoại giao ở Phủ Lỗ, buộc địch phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.

Sau hơn 2 tháng đấu tranh với địch, ta đã giữ được gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu ở các nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện quan trọng. Đồng bào các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên bị địch dồn về Hà Nội để di cư, được cán bộ giải thích, tuyên truyền đã tự nguyện về quê sinh sống. Đại bộ phận nhân dân Hà Nội không mắc mưu địch, ở lại chờ đón ngày Thủ đô giải phóng.

Cùng với đấu tranh với âm mưu phá hoại của địch, việc tiếp quản Thủ đô được Trung ương Đảng và Chỉ tịch Hồ Chí Minh tính toán kỹ lưỡng. Nói chuyện tại lớp học tiếp quản ở Đại Từ, Thái Nguyên, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ ta: "...Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân. Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Phải làm đúng 10 điều kỷ luật...". Tại đền Hùng, Phú Thọ, trước khi vào tiếp quản Thủ đô, ngày 19/9/1954, Đại đoàn Quân Tiên phong vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người động viên, căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.

Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách với đô thị mới giải phóng, các điều kỷ luận đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.

Đến 16 giờ, ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

5 giờ ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố...kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua.

Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ – Chỉ huy trưởng của “Mặt trận Hà Nội 60 ngày khói lửa” dẫn đầu tiến vào giải phóng Thủ đô. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng. Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng” tung bay trong tiếng hò reo và niềm vui khôn viết của quốc dân, đồng bào. Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà.

15 giờ, còi trên nóc Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”. Bác còn giao 4 nhiệm vụ mới, đặc biệt quan trọng cho quân và dân thủ đô là: Ra sức giữ gìn trật tự an ninh; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán và tài chính của Thủ đô; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa; Đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ; và nhấn mạnh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục địch chung: Làm cho Hà Nội thành môt thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”.

Cũng trong ngày tiếp quản Thủ đô, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội: sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành (Citadel), những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt. Ta đã tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…, trong đó có phủ toàn quyền cũ, phủ thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ Phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng, gửi điện văn, thư từ chúc mừng nhân dân Hà Nội. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng đều phấn khởi, cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về sự kiện quan trọng này.

Ngày 10-10-1954 đi vào lịch sử là ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội; không chỉ mang lại niềm phấn khởi, tự hào không xiết của người dân Thủ đô mà còn là niệm hạnh phúc lớn lao của cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Không chỉ là thắng lợi của dân tộc Việt Nam mà còn là chiến công của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và có lương tri trên toàn thế giới.

Ngày 10-10-1954, Hà Nội sạch bóng quân thù - trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, không ngừng bồi đắp để có một “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là “Thành phố vì hòa bình” trong lòng bạn bè quốc tế, Hà Nội đã phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hoá và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; xây dựng thành phố phát triển toàn diện và bền vững, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.                                         Nguyễn Ngọc Tuấn – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

3171 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 888
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 888
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190446