Ngày 28/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là văn kiện rất quan trọng của Đảng, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế, cần được các cấp, ngành, mọi cán bộ, đảng viên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: MD)
Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành; tuy nhiên, cũng còn nhiều nội dung của Nghị quyết cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung; về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ khái niệm “cán bộ cấp chiến lược”, các tiêu chí để xác định, đánh giá cán bộ cấp chiến lược và các giải pháp đề xuất của đại biểu cần tập trung vào hai trọng tâm và năm đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Thảo luận tại hội thảo, GS.TS Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề cập đến tầm quan trọng của công tác tham mưu. Theo ông, tham mưu là điểm đầu của sáng tạo, sáng tạo xây dựng chính sách, pháp luật để xây dựng đất nước phát triển; do đó, phải xác định rõ vai trò tham mưu của cán bộ.
Đáng chú ý, ông nhấn mạnh "phải coi đây mà một nghề mang tính chuyên nghiệp".
Ông cho rằng, cần phải xác định đội ngũ này có các chức năng như: nghiên cứu lý luận về chính sách, pháp luật và lý luận tham mưu; nghiên cứu thực tiễn việc thực hiện các chính sách, pháp luật; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài; nghiên cứu dự báo. Đồng thời cần phân loại đội ngũ này trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp; tham mưu trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường....
Về năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược, ông nêu quan điểm: "cần được hiểu như một hệ thống năng lực của đội ngũ, bao gồm: năng lực tư duy và năng lực nhận biết (tư duy vượt trước và tư duy sáng tạo); năng lực trí tuệ; năng lực tầm nhìn (năng lực xác định mục tiêu, năng lực các quan điểm và định hướng phát triển); năng lực đánh giá; năng lực nhạy bén chính trị".
Trong khi đó, GS.TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã thử cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược được quy định trong Nghị quyết số 26 bằng “công thức” cần có trong thời đại công nghệ 4.0 gồm: có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu, có bộ óc tốt, có kỹ năng sống tốt, có ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt.
Ông diễn giải: sức khỏe dẻo dai ở mức cao sẽ chịu được sức ép từ mọi phía; do đó, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 phải có quy định cụ thể về sức khỏe để đủ sức làm việc và cống hiến hiệu quả, lâu dài.
Còn tầm nhìn là đòi hỏi cao nhất, tổng hợp nhất và khó nhất là một cán bộ chiến lược phải có. Ông dẫn lại lời của T.Hesburg nói : “Điều cốt lõi nhất mà người lãnh đạo phải có chính là tầm nhìn”.
Bộ óc tốt để sáng suốt, tự học và ham học thực sự, để cập nhật kiến thức trong thời đại toàn cầu hóa, chuyển đổi số và các mạng công nghệ 4.0. Cán bộ chiến lược phải có kiến thức, hiểu biết lý luận và thực tiễn cập nhật sâu sắc và toàn diện ở tầm chiến lược để lãnh đạo nhân dân và đất nước phát triển.
Đội ngũ này cần có kỹ năng sống có văn hóa, văn minh của một cán bộ lãnh đạo trong thời đại mới. Kỹ năng này cùng với trái tim và khối óc tạo nên uy tín, hiệu quả công tác của người cán bộ...
Ở khía cạnh khác, PGS. TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, xứng tầm nhiệm vụ thì công tác cán bộ phải được công khai, minh bạch; công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh. Nghị quyết Trung ương đã có đủ nhưng cần phải cụ thể hóa, chi tiết; đồng thời, phải phát huy dân chủ hơn nữa trong Đảng và xã hội để Nhân dân giám sát; phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kỷ luật cả những người làm công tác tổ chức cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm pháp luật như một số cán bộ trong thời gian vừa qua.
Về giải pháp, PGS. TS. Vũ Văn Phúc khẳng định, hơn hết, mỗi cán bộ đều phải tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tất cả đều là vô nghĩa. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí định lượng các đặc trưng định tính của cán bộ để cất nhắc, đề bạt theo hướng coi trọng thực chất, không rơi vào chủ nghĩa hình thức thiên về bằng cấp, tuổi tác…; đặc biệt, chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ và dự báo phát triển hơn nữa của cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.
TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, “một người lo bằng kho người làm”, đó là đội ngũ tinh hoa của đất nước, là cán bộ cấp chiến lược, có vị trí ra quyết định và kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế độ chính sách và cách ứng xử phù hợp đối với đội ngũ này. Do đó, TS. Thang Văn Phúc đề nghị, phải xác định ai là cán bộ cấp chiến lược và cần có chính sách đặc biệt cho đội ngũ này. Đồng thời, phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm đối với đội ngũ này, không thể nói trách nhiệm chung chung./.
Minh Duyên