Giải pháp ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 

Quảng Trị là một tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp của hai miền địa lý Bắc – Nam.

Với địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: vùng núi cao phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp; vùng trung du và đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc tỉnh; kế đến là vùng cát nội đồng và ven biển. Vùng núi cao, độ dốc lớn, sông suối hẹp nên khi có mưa to thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 02 huyện Hướng Hóa, ĐaKrông và các xã phía Tây của huyện Gio Linh, Vĩnh Linh. Vùng Trung du, gò đồi chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, khi có mưa lớn thường xảy ra lũ ống, sạt lở đất, tập trung chủ yếu ở huyện Cam Lộ, xã Hải Lâm huyện Hải Lăng, xã Vĩnh Long, Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh. Các xã/phường vùng thấp trũng, ven sông thuộc huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà khi có bão, mưa lớn thường xảy ra lũ lụt, ngập úng dài ngày. Vùng ven biển, cửa sông thường bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, bao gồm các huyện ven biển, kéo dài từ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đế xã Hải Khê, huyện Hải Lăng.

Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên tỉnh Quảng Trị hàng năm thường chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, lốc xoáy, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng do bão, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt là bão và lụt gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường có chiều hướng tăng lên về cường độ và tần suất xuất hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ, cháy rừng thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đời sống Nhân dân. Cụ thể: theo số liệu thống kê từ năm 2014 đến 2020, thiên tai đã làm 13 người chết, 11 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản trên 1.520 tỷ đồng.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong những năm tới, thiên tai có xu hướng tăng lên về cường độ và tính chất, tần suất các cơn bão hình thành ở vùng biển Tây Thái Bình Dương đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều, mưa lũ, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nhiều hơn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân, ảnh hưởng đến hạ tầng kinh tế xã hội, văn hóa, môi trường. Biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đang và sẽ tạo ra các vấn đề làm cho cộng đồng dễ bị tổn thương hơn. Trong đó, Việt Nam được dự báo là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam được biểu hiện rõ ràng qua sự gia tăng về cường độ, tần suất xảy ra các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại...Đó cũng chính là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền Trung, trong đó Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để đến năm 2030, cơ bản chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và từng bước xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, tỉnh Quảng Trị xác định năm nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới là:

Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên rà soát, điều tra cơ bản, bổ sung kịp thời các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với điều kiện khí hậu và tình hình thực tế địa phương.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chủ động trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm về thiên tai. Tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng ý chí quyết tâm, nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, trước hết phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức và đa dạng phương pháp giáo dục, tuyên truyền, đảm bảo sát với thực tế, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Ba là, tổ chức huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch; lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phải hiểu rõ nhiệm vụ, sử dụng thành thạo các trang bị, phương tiện trong điều kiện thời tiết phức tạp, nguy hiểm khi có thiên tai, bão lũ xảy ra nhằm bảo vệ được bản thân và thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bốn là, cân đối ngân sách để đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, trang bị những điều kiện cần thiết phục vụ công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ các dự án khác thực hiện hoạt động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Năm là, đối với các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tham mưu cho chính quyền địa phương điều hành xử lý kịp thời, hiệu quả trong công tác ứng phó thiên tai; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Khi có thiên tai xảy ra phải tính toán mọi tình huống ứng cứu và kịp thời xin hỗ trợ về nhân lực, phương tiện để cứu hộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được phân công phụ trách các huyện, thị phải thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thiên tai xảy ra ở các địa bàn được phân công, cùng với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo xử lý các tình huống thiên tai xảy ra. Quản lý các phương tiện cần bảo dưỡng, vận hành thử để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai, tổ chức tập huấn, luyện tập thực địa theo phương án, kế hoạch của đơn vị. Hồng Bốn

1724 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 185
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 185
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76694694