Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 07/5/2018 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 20 văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế để chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức. Qua 03 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị đã có sự thay đổi rất quan trọng.
Thứ nhất, đối với tổ chức bộ máy cơ quan Đảng. Ngày 01/10/2018, mô hình Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung cho hoạt động của các ban Đảng và cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đi vào hoạt động. Đối với các phòng chuyên môn của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cho Tỉnh ủy cũng đã tiến hành tổ chức sắp xếp. Hợp nhất Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01/7/2020.
Thực hiện thí điểm hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận ở Thị ủy Quảng Trị. Thực hiện Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở 09/09 địa phương; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQVN ở 05/09 địa phương (huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa và TP. Đông Hà); Chủ nhiệm UBKT kiêm Chánh Thanh tra ở 02 địa phương (huyện Triệu Phong và Hải Lăng); Trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ ở 03 địa phương (huyện Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ). Qua sắp xếp giảm được 26 phòng, 01 chi cục thuộc Sở; 12 phòng chuyên môn thuộc ban, chi cục; giảm được 24 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; 06 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc chi cục.
Thứ hai, đối với tổ chức bộ máy Nhà nước. Sắp xếp các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc của 19/20 sở, ban, ngành; giải thể Chi cục Văn thư - Lưu trữ. Sau khi giải thể, công tác quản lý nhà nước đã được chuyển về Sở Nội vụ, đồng thời thành lập mới Trung tâm Lưu trữ lịch sử. Giảm số lượng các ban của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng từ 35 ban thành 12 ban. Đặc biệt, từ tháng 01/2019, Trung tâm phục vụ hành chính công đã đi vào hoạt động và đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực.
Thứ ba, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; thôn, bản, khu phố. Đối với đơn vị hành chính cấp xã, tính đến ngày 01/3/2020 đã hoàn thành việc sắp xếp 141 đơn vị xuống còn 125 đơn vị, giảm 16 xã. Sau sắp xếp, số cán bộ, công chức được bố trí là 1120 người; số lượng cán bộ, công chức được điều động chuyển thành công chức cấp huyện là 32 người; số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 58 người (đã thực hiện tinh giản biên chế). Sau khi sáp nhập ở 17 xã, thị trấn mới đều có số lượng cán bộ, công chức nhiều hơn so với quy định; dự kiến bố trí giảm dần trong thời gian tới để đến ngày 31/12/2024 đảm bảo số lượng cán bộ, công chức theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
Đối với thôn, bản, khu phố, tính đến ngày 20/7/2019 đã hoàn thành việc sắp xếp 1082 thôn, bản, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô số hộ gia đình xuống còn 799 thôn, bản, khu phố. Qua sắp xếp, đã giảm được 283 thôn, bản, khu phố, 849 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố.
Thứ tư, đối với tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với Mặt trận, từ ngày 01/3/2020, thực hiện thí điểm mô hình Văn phòng phục vụ chung cho khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện ở 02 huyện Cam Lộ và Gio Linh. Đồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
Qua 03 năm thực hiện, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố được sắp xếp theo đúng kế hoạch đặt ra, góp phần giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách. Quá trình sắp xếp đảm bảo công khai, minh bạch, giải quyết thoả đáng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức theo đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành trước quá trình sắp xếp, đổi mới, nên khi ban hành đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương buộc phải dừng lại. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính cơ học, chưa gắn liền với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức như tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Đầu mối trực thuộc ở một số nơi đã sắp xếp tinh gọn, nhưng chưa có sự gắn kết.Việc sắp xếp các phòng chuyên môn, làm tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, song giảm cấp phó, giảm biên chế nên khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Việc sắp xếp từ 141 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 125 đơn vị nên số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nhiều (giảm 90 cán bộ, công chức và 849 người hoạt động không chuyên trách cấp xã). Vì vậy, công tác bố trí, sắp xếp lại nhân sự và giải quyết các chế độ chính sách sau sắp xếp gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, có 16/17 xã, thị trấn đang sử dụng 02 trụ sở làm việc, nên ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Về chuyển đổi giấy tờ, các đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện thu lệ phí, nhưng phải đóng các loại phí (người dân khi đăng ký thay đổi thông tin trên giấy quyền sử dụng đất do sắp xếp đơn vị hành chính được miễn 14.000 đồng tiền lệ phí; nhưng phải đóng 137.000 tiền phí hành chính); đối với thôn, khu phố chưa có quy định miễn giảm các loại phí, lệ phí nên lãnh đạo các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
Trong thời gian tới để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp. Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghị quyết số 18-NQ/TW đến các cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo các địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết đầy đủ, toàn diện và phổ biến sâu rộng về tính cấp thiết, yêu cầu của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến cán bộ, đảng viên và người lao động. Ngoài ra, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải thường xuyên, kịp thời tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Hai là, hoàn thiện về thể chế, hệ thống các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn việc sáp nhập, đổi mới, sắp xếp các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Ba là, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị trong quá trình sáp nhập, tổ chức sắp xếp để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Đồng thời, kiên quyết xoá bỏ các đầu mối trung gian, giảm đầu mối bên trong, giảm số lượng cấp phó gắn với việc cơ cấu hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách phù hợp trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế.
Bốn là, thực hiện tốt công tác tư tưởng, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức chịu tác động trực tiếp của việc tinh giản biên chế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu vị trí việc làm, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.Với tư duy đổi mới, sáng tạo, kế hoạch chặt chẽ, lộ trình thích hợp, sự đồng thuận, nhất trí cao của hệ thống chính trị, việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại tỉnh Quảng Trị sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra./. Quốc Thanh