Những người hoạt động không chuyên trách là những người được bầu, tuyển dụng để làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể không phải là cán bộ, công chức cấp xã; họ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chỉ hưởng khoản phụ cấp và một số chế độ bảo hiểm y tế, đào tạo bồi dưỡng theo quy định; họ chỉ tham gia công việc trong một phần thời gian lao động, trong đó họ có những người được bầu cử giữ chức danh hoặc được tuyển chọn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị cấp xã.
Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có vai trò quan trọng, là lực lượng tham gia trực tiếp, tích cực trong công việc quản lý, đồng thời góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh trật tự tại địa phương. Là người trực tiếp đem các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, vận động người dân xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... ở địa phương, góp phần xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở.
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 và Nghị định số 29/2013/ NĐ-CP ngày 08/04/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 26/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 và được UBND tỉnh Quảng Trị cụ thể hoá tại Quyết định số 08/2014/QĐUBND ngày 11 tháng 02 năm 2014 về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, góp phần giúp cho các hoạt động quản lý của hệ thống chính trị cấp xã có hiệu lực và hiệu quả hơn. Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của HĐND và Quyết định số 08 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, chế độ chính sách, mức phụ cấp, hỗ trợ đối với các chức danh không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố đã được điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế của tỉnh, thu hút được nhiều người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, họ đã trải qua rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực sự là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh giữ gìn đạo lý, truyền thống; kế thừa và phát huy những giá trị cốt cách, bản sắc của mảnh đất và con người Quảng Trị. Mặt khác, đây cũng là đội ngũ cán bộ dự nguồn để các địa phương xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận trong tương lai.
Tuy nhiên, do số lượng những người hoạt động không chuyên trách hiện nay đông, rất ít địa phương bố trí chế độ kiêm nhiệm; kinh phí chi trả lớn, hiệu quả hoạt động một số nơi còn thấp, những vấn đề đặt ra sau sát nhập. Trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ không chuyên trách chưa cao, đội ngũ này lại được hình thành từ nhiều nguồn nên chưa đảm bảo chuẩn hoá về trình độ, năng lực và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nhất là ở thôn, bản, khu phố. Về trình độ lý luận chính trị của những người không chuyên trách cấp xã như sau: trung cấp là 28,68%, sơ cấp chiếm 35,65%, còn 35,46 % chưa được đào tạo, bồi dưỡng; tỷ lệ đã qua bồi dưỡng quản lý nhà nước còn chưa cao. Mặt khác, dù đã được quy định trong các văn bản quản lý nhà nước, nhưng để xác định rõ thế nào là những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố đến nay vẫn chưa thống nhất. Điều đó dẫn đến việc xác định địa vị pháp lý, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, thời gian làm việc, cơ sở đánh giá hiệu quả công tác, chế độ, chính sách... của nhóm đối tượng này cũng chưa cụ thể, rõ ràng. Cộng với thu nhập thấp nên một số có tư tưởng dao động, chưa thật sự tâm huyết với công việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách.
Để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, những người hoạt động không chuyên trách nói riêng ngày càng vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, đề xuất sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và ban hành Nghị định mới quy định chi tiết, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp cơ sở. Qua gần 10 năm thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định “Về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”, đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ ba, Chính phủ cần quy định rõ ràng, thống nhất tên gọi, trách nhiệm, quyền hạn của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tiếp tục phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về chế độ kiêm nhiệm và bố trí các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc này đảm bảo tính thống nhất trong quy định về những người hoạt động không chuyên trách trong cả nước và cũng là cơ sở để giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách, vừa tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời với chế độ kiêm nhiệm, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để ưu tiên tuyển dụng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trở thành cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ tư, để nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng bộ máy nhà nước ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần khuyến khích cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở thực hiện kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách. Cùng với việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cơ sở, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, gắn đào tạo lý luận với thực tiễn, nâng cao khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào thực tiễn.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; tăng cường thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại cơ sở. Có những chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những người hoạt động không chuyên trách có cơ hội tốt để phát triển, được xét tuyển, ưu tiên tuyển dụng để trở thành cán bộ, công chức cấp cơ sở. Hải Nam