Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là nhằm bổ sung lực lượng đảng viên trẻ, đảm bảo sự kế thừa, phát triển, tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng. Đảng ta đã ban hành nhiều quy định như: Quy định số 287-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước”; Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống”; Quy định số 170- QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”. Trên cơ sở cụ thể hoá các quy định của Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/11/2014 “về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” (sau đây gọi là Nghị quyết 03-NQ/TU). Trong những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng trong tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, đạt được những kết quả tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 128 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chiếm 3,6% so với tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh, trong đó có 18 đảng bộ cơ sở và 72 chi bộ cơ sở trực thuộc các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, 38 chi bộ trực thuộc các đảng ủy xã, phường, thị trấn và Liên đoàn Lao động tỉnh. Số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp là hơn 2.823 đồng chí, chiếm khoảng 6,3% so với tổng số lao động trong doanh nghiệp, chiếm 6,03% so với tổng số đảng viên của toàn đảng bộ tỉnh. Có 51 tổ chức đảng trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước với 1.828 đảng viên; có 77 tổ chức đảng trong doanh nghiệp không có vốn Nhà nước với 868 đảng viên, có 127 đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng sinh hoạt tại chi bộ nơi cư trú. So với trước khi thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ: tăng 22 tổ chức đảng và tăng 349 đảng viên. Phần lớn các tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong việc tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động và người quản lý doanh nghiệp, xác lập mối quan hệ phối hợp giữa cấp uỷ đảng với người quản lý doanh nghiệp theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp về vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của người đảng viên trong doanh nghiệp, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người sử dụng lao động nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, các cấp uỷ trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và đề ra các biện pháp, giải pháp phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có xác định rõ chỉ tiêu phấn đấu trong từng năm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức đảng trực thuộc nơi có doanh nghiệp đóng trên địa bàn và trách nhiệm của các tổ chức công đoàn, đoàn thành niên trong công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Đến nay đã kết nạp được 765 đảng viên trong doanh nghiệp, trong đó đảng viên là lãnh đạo, quản lý và người gián tiếp sản xuất trong doanh nghiệp là 350 đồng chí; đảng viên là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất là 415 đồng chí. Toàn tỉnh đã thành lập mới 25 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trong đó có 05 chi bộ cơ sở trực thuộc các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; 20 chi bộ trực thuộc các đảng ủy xã, phường, thị trấn. Với những kết quả đã đạt được góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, việc củng cố và phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh qua gần 6 năm thực hiện theo Nghị quyết số 03-NQ/TU vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng quá ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Số lượng đảng viên được kết nạp và tổ chức đảng được thành lập ít và chậm. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp sau cổ phần hoá không cao; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng còn lúng túng; sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể cho cán bộ ở các doanh nghiệp ít được chú trọng. Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn, vai trò của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn mờ nhạt đã làm hạn chế đến vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp. Việc tồn tại những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu là do một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của việc củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp; thiếu những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, phần lớn chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chưa quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức đảng, đoàn thể thành lập và hoạt động. Một số cấp uỷ chưa gắn kết chặt chẽ trách nhiệm tổ chức đảng với tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong trong công tác phát triển đảng. Đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít lao động, chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Mặt trái của cơ chế thị trường cùng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới đã tác động, ảnh hưởng tới nhận thức tư tưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp trong việc phấn đấu trở thành đảng viên.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tiếp tục củng cố, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, các cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người sử dụng lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp. Trong đó cần chú trọng các nội dung sau: tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; chủ trương, quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về doanh nghiệp, doanh nhân; về văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của người đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng, bền vững, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Thuyết phục, động viên người quản lý doanh nghiệp và người lao động tham gia tổ chức đảng, thành lập tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp.
Hai là, các cấp uỷ đảng nghiên cứu, cụ thể hoá các quy định của Đảng, Nhà nước về vị trí và các mối quan hệ của tổ chức đảng với các tổ chức liên quan trong doanh nghiệp, gắn vai trò lãnh đạo của Đảng với tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung quán triệt và cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khi có đủ điều kiện. Xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cấp uỷ đảng tại các doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguyên tắc Điều lệ Đảng quy định, vừa phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa bàn, loại hình. Làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức đảng; mối quan hệ giữa tổ chức đảng với các tổ chức, các bộ phận trong doanh nghiệp; có cơ chế đảm bảo thực hiện tốt các mối quan hệ, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Chú trọng cải tiến phương pháp, quy trình công tác phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.
Ba là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong doanh nghiệp, thể hiện sự vững vàng về phẩm chất chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, gắn bó với doanh nghiệp, lao động có năng suất, chất lượng hiệu quả cao, đi đầu và vận động người quản lý, người lao động chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, làm giàu chính đáng, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Các cấp uỷ có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ đảng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên dự bị, đảng viên mới.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hoá” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với công tác quản lý, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng theo Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư.
Năm là, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp uỷ đảng, của cả hệ thống chính trị. Chỉ đạo thực hiện có kết quả nhiệm vụ củng cố, phát triển doanh nghiệp theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ doanh nhân, người quản lý các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, và của từng doanh nghiệp; chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng và công tác đoàn thể trong các doanh nghiệp.
Hằng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; có chủ trương, chính sách, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường chế độ đi cơ sở, lắng nghe và giải quyết kịp thời các nội dung, yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác phát triển đảng viên và tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nói riêng. Phạm Xuân Ngọc-Trường Chính trị Lê Duẩn