Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 14 đảng bộ trực thuộc (10 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố, 01 đảng bộ khối, 03 đảng bộ lực lượng vũ trang); 496 tổ chức cơ sở đảng (256 đảng bộ cơ sở, 239 chi bộ cơ sở); 19 đảng bộ bộ phận và 2.206 chi bộ trực thuộc với 48.694 đảng viên (chiếm 7,22% dân số toàn tỉnh). Trong đó, đảng viên nữ: 19.151, chiếm 39,09%; đảng viên dự bị: 1.469, chiếm 3,0%. Đảng viên là người dân tộc thiểu số: 3.781, chiếm 7,72%.
Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức đảng, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo các cấp ủy chú trọng tạo nguồn, kết nạp đảng viên. Điển hình như Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về tăng cường công tác phát triển đảng viên ở địa bàn, lĩnh vực còn khó khăn và ít đảng viên; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 07-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong tình hình mới… Hằng năm, Tỉnh ủy đều có chương trình, kế hoạch chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng rà soát lại đối tượng cảm tình đảng ở các thôn, bản, các tổ chức quần chúng như: Đoàn Thanh niên, Công đoàn… đặc biệt là tổ chức đảng chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, rà soát số quần chúng từ 18 tuổi trở lên là người dân tộc thiểu số, những quần chúng giỏi trong lao động sản xuất, các hội viên, đoàn viên trong các đoàn thể chính trị - xã hội, qua đó nắm chắc về trình độ học vấn, đạo đức, lối sống của từng người, lập bản thống kê chính xác làm cơ sở để nắm nguồn phát triển đảng viên.
Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, các huyện ủy, đảng ủy các xã nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tập trung chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng, trang bị nhận thức, hiểu biết về mục đích, lý tưởng của Đảng, định hướng cho quần chúng động cơ vào Đảng đúng đắn. Các cấp ủy luôn chú trọng lựa chọn quần chúng ưu tú đủ tiêu chuẩn để phát triển nhằm nâng cao chất lượng đảng viên mới, nghiên cứu, nắm vững quy trình, thủ tục, các bước triển khai từ khâu giới thiệu tạo nguồn đến công tác bồi dưỡng, công tác thẩm tra hồ sơ, lý lịch, kết luận tiêu chuẩn chính trị để kết nạp đảng viên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động sôi nổi để thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia; chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú để xem xét giới thiệu kết nạp đảng.
Các cấp ủy đảng đều nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên, đồng thời nắm vững nội dung, quy trình, nguyên tắc, thủ tục, phương châm, phương hướng, hình thức và biện pháp kết nạp đảng theo quy định. Thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của các cấp ủy là đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, theo phương châm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, điều này được thể hiện ở số lượng đảng viên được kết nạp hằng năm nhìn chung đều tăng, chất lượng được nâng lên, nhất là trình độ chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn tại địa phương. Giai đoạn 2015-2020, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 11.856 đảng viên, trong đó có 1.097 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Đa số đảng viên là người dân tộc thiểu số đều có năng lực, uy tín, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với Đảng, với Nhân dân và được coi là những hạt nhân ở các chi bộ, đảng bộ về triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đổi mới diện mạo các tổ chức đảng nhằm xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.
Qua thực tiễn công tác và tham gia các phong trào trong địa bàn tỉnh, các đảng viên là người dân tộc thiểu số đã ý thức được trách nhiệm của mình, phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong công tác. Đa số đảng viên tích cực rèn luyện, phấn đấu nâng cao nhận thức, trình độ học vấn, phẩm chất chính trị, năng lực, đạo đức, lối sống; tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương, nghị quyết, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn ý thức trách nhiệm cao trong học tập, công tác và rèn luyện; đồng thời, vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, góp phần giúp địa phương trong việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Định canh, định cư, sinh đẻ có kế hoạch, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng, giải quyết kịp thời mọi công việc ngay tại thôn, bản, tạo niềm tin và sự phấn khởi trong đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đảng viên là người dân tộc thiểu số ở các thôn, bản là cầu nối kịp thời truyền đạt những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong tỉnh tới các cơ quan đảng, nhà nước để đề ra chủ trương, chính sách sát hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị còn tồn tại một số hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy về công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, dẫn đến chất lượng kết nạp không đồng đều giữa các đảng bộ, chưa gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên vào việc phân loại đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm. Một số chi bộ ở các thôn, bản vẫn chưa sát sao trong việc chỉ đạo các tổ chức đoàn thể rà soát nắm quần chúng là người dân tộc thiểu số để bồi dưỡng kết nạp; chưa tạo môi trường thuận lợi để quần chúng rèn luyện, phấn đấu, thử thách để đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng lúng túng trong việc thực hiện quy trình, thủ tục, điều kiện kết nạp đảng viên; một số tổ chức đảng còn tình trạng chạy theo chỉ tiêu, số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng người được kết nạp; việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức tại một số cấp ủy chưa được quan tâm dẫn đến tình trạng vẫn còn đảng viên vi phạm kỷ luật bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng; một số đảng viên mới kết nạp chưa thực sự có động cơ vào Đảng đúng đắn. Một số đảng viên, trong đó có đảng viên là người dân tộc thiểu số tinh thần, trách nhiệm chưa cao, vi phạm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trách nhiệm nêu gương nên uy tín trước Nhân dân còn thấp, ảnh hưởng đến sự rèn luyện, tu dưỡng và ý chí quần chúng khi phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, kết quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian qua. Tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong toàn xã hội, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị để đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là quần chúng là người dân tộc thiểu số phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề về phát triển đảng viên và ban hành nghị quyết về phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Hai là, cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số. Những điều kiện, tiêu chuẩn này được quy định trong Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28-9-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị, do trình độ học vấn còn thấp, nhận thức còn hạn chế, do đó, việc xác định đúng các điều kiện, tiêu chuẩn là rất quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số, bảo đảm số lượng phải đi đôi với chất lượng. Đồng thời, điều kiện, tiêu chuẩn là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt các nội dung trong công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn địa phương, trong từng giai đoạn cụ thể.
Ba là, xây dựng và thực hiện tốt quy trình kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm của từng đảng bộ, chi bộ. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, quy trình là yêu cầu bắt buộc của các cấp ủy đảng. Kế hoạch phải luôn xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu phấn đấu chung của đảng bộ và phải trên cơ sở căn cứ vào nguồn của từng chi bộ để giao chỉ tiêu cụ thể, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các thủ tục kết nạp đảng viên theo đúng hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, quy định của Điều lệ Đảng. Các cấp ủy đảng cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc thẩm tra, xác minh lý lịch của quần chúng là đối tượng kết nạp đảng. Khi quần chúng viết hồ sơ phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đầy đủ và hạn chế phải viết lại nhiều lần, gây tâm lý không tốt, làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của quần chúng.
Bốn là, đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho quần chúng là người dân tộc thiểu số. Công tác kết nạp đảng viên là kết quả quá trình tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng là cơ sở quan trọng để hình thành động cơ vào Đảng đúng đắn. Bởi vì, khi có nhận thức đúng đắn, quần chúng thấy rõ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của bản thân để rèn luyện trở thành đảng viên. Do đó, việc đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho quần chúng là người dân tộc thiểu số quyết định đến chất lượng đảng viên mới kết nạp cũng như chất lượng đảng viên của cả đảng bộ, chi bộ. Nội dung giáo dục cần tập trung vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho quần chúng nắm vững được điều kiện, tiêu chuẩn trở thành đảng viên, để họ phấn đấu vươn lên.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết tốt những vấn đề phát sinh ở cơ sở, phát động các phong trào thi đua yêu nước tạo ra “sân chơi” lành mạnh cho các đoàn viên, hội viên nhằm thu hút, tập hợp quần chúng tham gia; phát hiện những nhân tố tích cực, có tinh thần trách nhiệm, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng để bồi dưỡng và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp. Đồng thời, chú trọng tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số, hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đẩy mạnh các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cơ sở đối với công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy Quảng Trị và các huyện ủy cần xây dựng nghị quyết riêng về công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các đảng bộ quan tâm đến những chi bộ nhiều năm chưa kết nạp đảng viên, tìm ra hướng để tháo gỡ những khó khăn đó. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những tổ chức đảng, đảng viên làm sai quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên; đồng thời, biểu dương, nhân rộng cá nhân, tổ chức đảng làm tốt công tác này./. Hải Nam