Xây dựng Đảng về đạo đức là toàn bộ hoạt động của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên với sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong việc định hình, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng.
Nội dung của công tác xây dựng Đảng về đạo đức thể hiện trên các mặt: về ban hành chủ trương về xây dựng Đảng về đạo đức; về hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; về hoạt động tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng, về trách nhiệm nêu gương; về công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình; về hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng; về mối quan hệ giữa Đảng và Dân; về hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và kỷ luật trong Đảng và về hoạt động đấu tranh, phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.
Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã chỉ rõ hai yêu cầu của việc xây dựng Đảng, đó là Đảng phải giữ chủ nghĩa cho vững (về lý luận) và Đảng phải ít ham muốn về vật chất (về đạo đức), phải rèn luyện đạo đức cách mạng là Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho đảng viên. Đặc biệt, trong tác phẩm Di chúc, Người chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Trải qua 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng tăng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao. Suốt thời gian qua, Đảng quyết liệt chống tham nhũng. Đảng phải kiên quyết xử lý, dù đau đớn mấy cũng phải chấp nhận đối với những cá nhân không xứng đáng. Tuy nhiên, đến nay, việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, suy thoái nghiêm trọng về đạo đức còn chậm, giải pháp chưa đủ mạnh. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” . Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay đất nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng”. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, tấn công quyết liệt, trực diện vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh đặc biệt là công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Trong thời gian tới, các cấp uỷ, từng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng; luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cấp ủy cần đưa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức vào sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng. Trong sinh hoạt chi bộ, ngoài đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị nên lựa chọn những vấn đề trọng tâm về công tác xây dựng Đảng, nhất là những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm hằng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XIII để tìm giải pháp tập trung khắc phục.
Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp cần phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, đặc biệt phải nêu gương theo Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW ngày, 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05- CT/TW, ngày 15 tháng 05 năm 2016 của Bộ Chính trị trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Đổi mới phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”.
Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện nghiêm túc, có nền nếp việc học tập, quán triệt các chỉ thị, quy định của Trung ương. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các hình thức tuyên truyền.
Bốn là, cần thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định cần phải “đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”. Kịp thời phát hiện và kiên quyết ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, ủy ban kiểm tra các cấp cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên thuộc quyền theo Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thi hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự phối hợp giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp. Xuân Ngọc