GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ HIỆN NAY 

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng là một hiện tượng xấu trong xã hội, nó gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước. Nó làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước; làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với chế độ; làm ảnh hưởng uy tín của quốc gia trên trường quốc tế; đe doạ sự tồn vong của chế độ.

Vì vậy, phòng, chống tham nhũng là các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể Nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, và của Chính phủ, “là giặc ở trong lòng”, “là giặc nội xâm”. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (tháng 11/1994) xác định nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác là một trong bốn “nguy cơ” đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã ban hành nhiều văn bản, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Nghị quyết đã xác định mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị  đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, như: Kế hoạch số 64-KH/TU, ngày 24/4/2014 về việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Kế hoạch số 70-KH/TU, ngày 31/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chương trình hành động số 26-CTHĐ/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; Kế hoạch số 10-KH/TU, ngày 30/3/2016 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng”; Chương trình hành động số 56-CTHĐ/TU, ngày 20/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”….

Trong thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá  XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hoá” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả. Các cấp, các ngành đã quán triệt nghiêm túc, đầy đủ 5 quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện rà soát, bổ sung, xây dựng thể chế, thực hiện các biện pháp phòng ngừa được duy trì thường xuyên. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng, lãng phí được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, cơ bản đã ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn có những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới : Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa được được tiến hành thường xuyên, sâu rộng, một số văn bản mới ban hành chưa được triển khai kịp thời; một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu tự giác trong học tập, nghiên cứu; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của xã hội và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy mạnh mẽ. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập; công tác tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn  tỉnh Quảng Trị có hiệu quả cao, cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các nội dung liên quan trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng, quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.   Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán đảm bảo kỷ cương.      

Thứ ba, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, lấy hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cần thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào các cuộc sinh hoạt định kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận thông tin, giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng; phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích, dũng cảm tố cáo tham nhũng.

Thứ tư, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ quan ngôn luận và công dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với các tổ chức xã hội, báo chí, doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng và tổ chức thực hiện những quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đơn vị, của ngành; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; triển khai thực hiện kịp thời các văn bản của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng. Hải Nam

11162 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1192
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1192
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87110132